Song những sự nỗ lực đó có thể bị xóa nhòa nếu một vài công dân thiếu ý thức, trách nhiệm trong phòng chống dịch, coi thường sức khỏe, tính mạng của chính mình và cộng đồng, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật…
Trong thời gian dài, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Đến đầu tháng 3, cả nước không xuất hiện thêm bệnh nhân mới nhiễm dịch bệnh này. Toàn bộ 16 ca bệnh đợt đầu đều đã được điều trị khỏi và xuất viện; 32 trường hợp nghi ngờ được theo dõi, cách ly cùng hàng ngàn trường hợp tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đều được theo dõi sức khỏe. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và các biện pháp mạnh của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát COVID-19, đặc biệt là trong công tác cách ly, khoanh vùng, điều trị…
Tuy nhiên, hành động thiếu trách nhiệm của một cá nhân mắc COVID-19 trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam sáng 2/3 đã khiến nhiều người liên lụy, lo lắng. Cũng từ chuyến bay này, nhiều bệnh nhân khác được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng số ca bệnh tại Việt Nam hiện đã lên đến hơn 50 người, được phát hiện ở nhiều địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng…
Cùng với diễn biến phức tạp của “bão dịch bệnh” là những thông tin giật gân, thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội, thậm chí là một số báo chí về sự nguy hiểm của COVID-19 hay người mắc bệnh. Đáng nói là những thông tin sai lệch tràn lan trên mạng, như: N.H.N, 26 tuổi, bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên tại Hà Nội là con gái của một thành viên Hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần luyện thép cao cấp Việt-Nhật.
Hệ lụy của “fake news” này, theo ông Đặng Việt Bách, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần luyện thép cao cấp Việt - Nhật, đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tác động không tốt tới tư tưởng, tâm lý của hàng nghìn người lao động cũng như đối tác, khách hàng của Công ty, gây hoang mang dư luận và nhân dân. Phía Công ty đã đề nghị UBND thành phố Hải Phòng và các cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh, làm rõ cá nhân đăng tải thông tin thất thiệt trên…
Các dòng tin thật giả lẫn lộn này cũng là nguyên nhân khiến người dân trong tâm thế lo âu, đã đổ xô đi mua khẩu trang, nước rửa tay khô, mì tôm, thực phẩm, nước uống, giấy vệ sinh... để tích trữ phòng dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng quá tải, cháy hàng cục bộ tại siêu thị Big C, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh ở Hà Nội những ngày qua.
Nhằm ngăn chặn, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, những hệ lụy không đáng có từ “fake new” về tình hình dịch bệnh, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, làm rõ. Hàng trăm trường hợp đã bị xử lý. Điển hình là sáng 10/3, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng đã ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính, mức phạt 10 triệu đồng, đối với bà Hoàng Anh, sinh năm 1986, trú tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, Hải Phòng, chủ tài khoản Facebook @kunxinh86 – Hoang Anh (Cô đồng Hoàng Anh) về bài viết "Chuẩn bị cách ly cả Hải Phòng…", gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố. Chủ tài khoản này trước đó đã thừa nhận hành vi đăng tải bài viết của mình là không có căn cứ, nội dung sai sự thật, trái quy định pháp luật…
Ngày 13/3, cơ quan chức năng đã xác minh, đấu tranh xử lý một số đối tượng đăng tải, chia sẻ những thông tin thất thiệt về một bệnh nhân có “bồ nhí, con riêng”, khai báo y tế không trung thực. Những thông tin xuyên tạc, vô căn cứ này đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, làm gia tăng kích động, hoài nghi, làm xói mòn niềm tin của quần chúng nhân dân, gây hoang mang trong dư luận xã hội. Đó là trường hợp Võ Thị Thanh Thủy (sinh năm 1986, trú tại quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội), Doãn Thị Kim Phượng (sinh năm 1958, trú tại quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) và Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1994, trú tại Đông Anh, thành phố Hà Nội)… Tại cơ quan Công an, các đối tượng đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, xin gỡ bỏ bài viết trên Facebook cá nhân và cam kết không tái phạm…
Thế nhưng tin giả về dịch bệnh vẫn không ngừng lây lan. Những biện pháp xử phạt do cơ quan chức năng đưa ra dường như là chưa đủ làm những đối tượng tung hoang tin “chùn tay”. Như nhận định của Luật sư Nguyễn Phú Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) là, dù hành lang pháp lý khá đầy đủ, nhiều trường hợp vi phạm đã chứng minh được hậu quả, ý thức phạm tội nhưng vẫn chưa bị xử lý hình sự, chưa bị khởi tố vụ án. Nguyên nhân có lẽ do công tác răn đe, phòng ngừa đối với hiện tượng này chưa được thực thi nghiêm túc theo luật định. Chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm, truy cứu trách nhiệm hình sự là Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an các tỉnh, thành phố, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, quận, huyện còn nương tay với vi phạm.
Bên cạnh đó, để truy cứu trách nhiệm hình sự các cá nhân, tổ chức làm lây lan dịch bệnh cho người, theo Điều 240 Bộ luật Hình sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế phải công bố dịch. Luật sư Nguyễn Phú Thắng phân tích: “Chủ thể biết nhưng cố tình thực hiện hành vi vi phạm. Hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng cho cộng đồng và Nhà nước. Song hành vi này vẫn chưa truy cứu trách nhiệm hình sự nếu địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế chưa công bố dịch. Rõ ràng đây là một kẽ hở của pháp luật, của tội danh này. Chúng ta cần xem xét để sửa đổi, bổ sung Luật, Nghị định của Chính phủ”.
Trước tình hình phức tạp trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly và chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng; đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội và các hành vi găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tư pháp đề xuất các hình thức xử lý nghiêm khắc, đủ sức răn đe; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm về khai báo y tế, không chấp hành cách ly…
Có thể thấy, đây là quyết tâm của Chính phủ nhằm cùng toàn dân “chống dịch như chống giặc”. Nhưng để phát huy hiệu quả cao nhất trước dịch COVID-19, ngoài vai trò chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, sự cống hiến hết mình của những nhân viên y tế, rất cần sự chung sức, đồng lòng, chủ động, tự giác của mỗi cá nhân trong toàn xã hội. Bởi, chỉ một biểu hiện chủ quan, thiếu trung thực, thiếu hiểu biết của mỗi cá nhân có thể sẽ gây nguy hiểm không chỉ cho bản thân, mà còn để lại hệ lụy cho cả cộng đồng, toàn xã hội.