Người dân cần biết cách bảo quản để bánh chưng không bị thiu, mốc. |
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong các gia đình Việt Nam trong những ngày Tết Nguyên đán. Đặc biệt, nhiều gia đình vẫn có thói quen gói bánh chưng với số lượng nhiều để ăn dài ngày trong dịp Tết, vì thế bánh rất dễ bị mốc. Khi ăn phải bánh chưng bị mốc sẽ rất có hại cho sức khỏe vì thực phẩm đã mốc sẽ sinh ra độc tố Aflatoxin; loại độc chất này có thể gây nên những ảnh rất lớn đến sức khỏe con người.
Vì vậy người dân cần biết cách bảo quản bánh chưng để lâu bị hỏng, có thể áp dụng một số các cách sau:
- Khi chuẩn bị gói, lá dùng để gói bánh cần phải được rửa kĩ và để ráo nước. Có thể sử dụng lá dong đã được luộc, để gói bánh, đó là cách giúp bánh có thể để được lâu hơn.
- Ngay sau khi bánh chưng được nấu chín và vớt ra khỏi nồi, nên rửa bánh lại bằng nước lạnh, sạch để loại bỏ nước nhớt của gạo chảy ra khi luộc bánh bị bám trên bánh dễ gây ôi thiu, nhất là thời tiết nắng, nhiệt độ cao.
- Sau khi rửa sạch bánh, có thể dùng vật nặng để đè lên bánh giúp bánh bị ép lại chặt lại hơn. Có thể trải số bánh vừa luộc ra rồi dùng mâm hoặc vải ni long phủ lên trên lớp bánh, sau đó đặt vật nặng đề lên trên.
- Bảo quản bằng cách treo bánh nơi mát và thoáng gió sẽ giúp bánh được khô se phần mặt, vừa đảm bảo vệ sinh, vừa giữ được lâu.
- Nếu bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh, cần để nguyên cả lá gói vào tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần mặt cắt có thể lấy giấy nilông bao kín lại. Nếu bánh có hiện tượng bị cứng, nên luộc, chiên hoặc hấp lại rồi sử dụng.
- Đặc biệt để bảo vệ sức khỏe, người dân không nên tiếc mà cần mạnh dạn vứt bỏ những thực phẩm đã bị nấm mốc, tuyệt đối không ăn. Tốt nhất là nên gói lượng bánh vừa đủ để ăn trong những ngày Tết.