Nhìn bề ngoài quán ăn đã mang lại một cảm tình đặc biệt, bởi cái mộc mạc của tre nứa được dùng làm bàn ghế, rèm che... đúng điệu vùng cao, nổi bật là tấm biển "Đặc sản bánh cuốn Cao Bằng". Chủ quán là người Cao Bằng, thật thà, xởi lởi và mến khách, luôn miệng giục các thực khách ăn khi còn nóng mà tay vẫn thoăn thoắt tráng bánh cho kịp.
Chủ quán là người Cao Bằng, xởi lởi và mến khách. |
Cách thưởng thức khác lạ và hương vị bánh cuốn vùng cao được nhiều người ưa chuộng bởi lẽ, bánh cuốn Cao Bằng không ăn kèm nước chấm pha mắm như cách ăn ở những vùng khác. Thay vào đó, bánh ăn cùng với nước xương ninh thơm thơm, trong bát nước xương là bánh cuốn trứng trần lòng đào, miếng giò thơm ngon nóng hổi, hòa quyện với vị ớt của măng ngâm mắc mật, đặc sản Cao Bằng - càng làm dậy nên hương vị của vùng cao. Bánh cuốn Cao Bằng còn được gọi là “bánh cuốn canh”, để phân biệt với bánh cuốn ở miền xuôi.
35.000 đồng/suất - mức giá dễ chịu cho một thứ quà giản dị, nhưng độc đáo và toát lên những đặc trưng vốn có của văn hóa vùng cao. |
Miếng bánh để lại hương vị dẻo dai, thơm nguyên mùi hạt gạo vùng cao. Chủ quán chia sẻ, gạo làm bánh là hạt gạo tẻ trên đất Cao Bằng, được chuyển xuống Hà Nội liên tục, mất nhiều chi phí hơn nhưng chỉ có hạt gạo tẻ trên đất Cao Bằng mới tạo nên bột bánh hảo hạng, làm ra tấm bánh vừa trắng vừa mỏng, dai, mịn, lại còn có mùi thơm đặc trưng. Gạo dẻo hoặc khô đều không tạo ra được bột bánh ưng ý. Gạo được ngâm vàvo sạch rồi nghiền thành bột loãng để tráng bánh. Bột ngon là bột đáp ứng được độ sánh, dẻo. Chiếc bánh cuốn ăm ắp thịt bên trong luôn được chế biến nóng hổi, khách vào quán, người chủ mới nhanh tay tráng bột, cuốn bánh.
Điểm đặc biệt và mang lại hương vị riêng cho bánh cuốn Cao Bằng là nước dùng. Nếu như bánh cuốn người Hà Nội thường ăn là bánh cuốn chay, cuốn thịt hay bánh cuốn trứng chấm với nước mắm pha tỏi ớt thì bánh cuốn Cao Bằng lại được dùng với nước canh xương. Một bát nước xương đã được ninh nhừ thơm lựng, không có váng mỡ mà ngọt lịm, thoảng hương tủy xương. Có thể không đậm đà như nước mắm pha đã gia giảm chua ngọt nhưng canh xương có vị ngọt thanh, thêm chút hành hoa, rau mùi, nấm hương, mộc nhĩ và vài thìa thịt băm nhuyễn là đã đủ hấp dẫn bất cứ ai tới thưởng thức món ăn này.
Các thực khách tới đây có lẽ thường tùy theo sức ăn mà gọi, vì suất bánh cuốn đầy đủ ở đây nhiều, chưa kể mỗi chiếc bánh đều có phần vỏ bánh dày dặn, bên trong là ăm ắp nhân thịt, ăn cùng với bánh cuốn trứng và giò đã nóng hổi trong bát canh xương. Tùy theo sở thích mà thực khách có thể gọi trứng trần chín bằng nước dùng, hay đập vào tấm bánh còn nóng hổi trên khuôn tráng, bánh chín cuộn bọc lấy quả trứng rồi cho vào bát canh nóng nên không sợ tanh. Giò thì được gói cẩn thận trong lá chuối, trước khi ăn, chủ quán sẽ cho giò vào nồi xương ninh rồi vớt lên cùng bánh canh, nên lúc nào cũng mang hương vị tươi mới, hơi ướt, chứ tuyệt nhiên không bị khô.
Tương ớt măng chua mắc mật cay nồng - đặc sản vùng cao. |
Theo cách thưởng thức bánh cuốn của người Cao Bằng, bánh sẽ nhúng ngập trong bát canh được hòa thêm chút tương ớt, măng chua, dùng thìa và đũa vớt lên như khi ăn bún, phở. Sự hòa quyện giữa vị thanh mát của miếng bánh cuốn cùng nước xương hầm thơm, ngọt, béo ngậy của trứng, giò và vị thơm dịu riêng có của quả mắc mật cay nồng sẽ khiến ai tới đây ăn cũng ấn tượng. Có những thực khách đã quá quen ăn bánh cuốn chấm nước mắm pha đậm đà dậy mùi hành phi mà chê bánh cuốn vùng cao hơi lạt miệng, ăn "đớ", nhưng nếu có thể "mở lòng" làm quen với cách ăn độc đáo: bánh cuốn với canh xương thì chắc chắn đây là địa chỉ nhiều thực khách sành ăn sẽ thường lui tới.
35.000 đồng/suất - mức giá dễ chịu cho một thứ quà giản dị, nhưng lại vô cùng độc đáo và toát lên những đặc trưng vốn có của văn hóa vùng cao. Thế nên đối với người miền xuôi, món ăn này là một trải nghiệm tuyệt vời vì hội đủ các tiêu chí: ngon - bổ - rẻ. Các thực khách tới ăn, tuy phải mất công chờ đợi từng chiếc bánh cuốn nhưng quá trình đó có thể là không uổng phí cho một món ăn ngon và đậm chất vùng cao này.