Dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lở đất xã Húc Nghì, huyện miền núi Đakrông được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cuối tháng 3/2023, với tổng mức đầu tư 16,5 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 15 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đầu tư một khu định canh, định cư đồng bộ mạng lưới hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng xây dựng nông thôn mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm di dời các hộ dân ở vùng lũ ống, lũ quét, nguy hiểm ở thôn 37, thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì đến sinh sống ổn định. Tổng số hộ bố trí, sắp xếp ổn định trong vùng dự án là 48 hộ. Thời hạn giải ngân vốn của dự án là ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, đến thời hạn này, dự án chỉ giải ngân vốn đạt trên 12% kế hoạch.
Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông thôn Cù Bạc, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương tháng 6/2023, với tổng mức đầu tư 22,5 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 20 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là ổn định và nâng cao đời sống người dân tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; bố trí ổn định dân cư, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của người dân khi có lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại xã gắn với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Dự án góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân; thực hiện các giải pháp về đảm bảo quỹ đất ở, đất sản xuất, huy động nguồn vốn đầu tư, tổ chức phát triển sản xuất, đảm bảo thoát nghèo bền vững; đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo hướng phát triển nông thôn mới. Tổng số hộ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trong vùng dự án là 50 hộ. Đến hạn giải ngân hết nguồn vốn ngày 31/12/2023, dự án chỉ đạt tỷ lệ giải ngân trên 27% kế hoạch.
Cả hai dự án này đều sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022, theo Quyết định số 105/QĐ-TTg ngày 31/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án triển khai bị chậm là do nhiều khó khăn vướng mắc như thủ tục lập, thẩm định phê duyệt phải qua nhiều bước, mất nhiều thời gian, trải qua đầy đủ các bước như một dự án bình thường, không có ưu tiên dành riêng cho dự án khẩn cấp.
Ngày 19/8/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị có báo cáo số 393/BC-SNN gửi Ủy ban nhân dân tỉnh về hai dự án này; trong đó nêu rõ, hiện nay Trung ương đã thu hồi vốn của hai dự án. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách địa phương hạn hẹp, để hai dự án tiếp tục được triển khai và hoàn thành, sớm ổn định cuộc sống cho người dân vùng thiên tai, Sở kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đề xuất Trung ương xem xét tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn cho địa phương thực hiện.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tham mưu giải pháp để tiếp tục thực hiện hai dự án dang dở này.