Tuy nhiên những năm qua, dòng suối đang dần cạn kiệt vào mùa khô, nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước của khu vực.
Ký ức về nguồn nước chính luôn tràn trề...
Theo báo cáo của UBND phường Hòa Hiệp Bắc, suối Lương có tổng chiều dài khoảng hơn 15 km, bắt nguồn từ đèo Hải Vân, chảy xuống khu vực trung tâm phường Hòa Hiệp Bắc rồi chảy ra biển. Trước đây, hằng năm, suối Lương cung cấp hàng triệu khối nước cho người dân ở hạ lưu để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Dòng suối Lương còn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết khí hậu của Tiểu khu 4A, rừng Nam Hải Vân, đảm bảo môi trường sống cho động vật, thực vật tự nhiên… Hiện nay, hiện trạng của suối Lương so với cách đây khoảng 30 năm đã thay đổi rất nhiều. Vào mùa mưa (từ khoảng tháng 10 - 12 hàng năm), lượng nước rất lớn, chảy siết, có khả năng gây ra lũ quét nhưng vào mùa hè (đỉnh điểm từ tháng 4 - 9), lượng nước chảy trong suối rất ít, có những tháng khô hạn.
Với gần 60 năm lớn lên và mưu sinh trồng rừng bên dòng suối Lương, ông Phạm Văn Tí (tổ 5, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) là một trong những người chứng kiến sự thay đổi của dòng suối. Dù được giao khoán rừng, trồng cây ăn quả tại mảnh đất ngay sát bờ suối Lương, ông Phạm Văn Tí vẫn phải lắp ống dẫn nước từ nguồn cách đó hơn 700 mét để phục vụ tưới tiêu. Dòng suối tràn trề ngày nào, nay đã không còn đủ nước để tưới 4 hecta rừng trồng của hộ ông Tí…
Nhìn về dòng suối khô hạn, ông Tí nhớ lại: “Ngày tôi còn trẻ, suối Lương là một con suối tràn trề với mặt nước rộng 5 mét, độ sâu khoảng 1 mét. Đây là nguồn nước chính nuôi cây rừng, trồng lúa và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân quanh vùng. Hai bờ suối cây cối xanh tốt, dưới suối có nhiều loại cá sinh sống, như cá Bợp, cá Chèn, cá Niên… Bây giờ dòng suối thường xuyên khô cạn, hệ sinh thái xưa cũng không còn.”
Suối cạn, nguy cơ thiếu nước
Để tìm hiểu nguyên nhân suối Lương bị khô cạn, phóng viên TTXVN đi ngược dòng suối lên đèo Hải Vân, tìm về thượng nguồn của dòng suối. Dù mới là tháng 3, chưa đến cao điểm mùa khô nhưng thượng nguồn suối Lương chỉ chảy một khe nước rất nhỏ, len lỏi qua những kẽ đá. Dòng suối trơ đáy, để lộ ra những tảng đá to, nặng hàng tấn, trơ trọi giữa rừng. Hai bên bờ suối bị sạt lở, nhiều cây cối ngã đổ xuống lòng suối.
Tại khu vực suối Lương chảy qua đường dẫn phía Nam hầm Hải Vân, hàng trăm khối đá lớn, nặng hàng tấn nằm ngổn ngang dưới gầm cầu. Trong đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2022 tại thành phố Đà Nẵng, tại vị trí này đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, nước mưa cuốn theo hàng nghìn mét khối bùn đất, đá tảng từ trên đèo xuống tràn ngập lòng đường, chắn lối vào hầm. Sau đó đơn vị quản lý hầm là Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả đã khẩn trương xúc dọn, khơi thông lòng đường để xe cộ lưu thông, nhưng dưới gầm cầu, vẫn còn rất nhiều đất đá bị kẹt lại trên dòng suối, ảnh hưởng đến dòng chảy của suối Lương.
Phía dưới đường dẫn hầm Hải Vân, tại khu vực hạ lưu của suối Lương có hàng chục điểm kinh doanh ăn uống, dã ngoại tự phát cũng gây tác động lên dòng suối tự nhiên này. Theo báo cáo của UBND phường Hòa Hiệp Bắc, từ những năm 1990, nhờ hệ sinh thái trong lành, phong phú, suối Lương đã trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn đối với người dân thành phố Đà Nẵng. Từ đó, một số hộ dân kinh doanh bán nước cho du khách, qua nhiều năm đã mở rộng mô hình, lắp đặt các sạp, lều tạm để phục vụ đồ ăn, nước uống. Hiện khu vực suối Lương chỉ có một doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh du lịch sinh thái, còn lại hàng chục trường hợp khác là kinh doanh tự phát.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ suối Lương, UBND phường đã thành lập Đoàn khảo sát hiện trạng lâm sinh tại khu vực suối Lương thuộc Tiểu Khu 16, rừng Nam Hải Vân. Theo khảo sát, thượng nguồn suối (giáp với tỉnh Thừa Thiên Huế) đã bị một khối lượng đá lớn chặn dòng, chia cắt thành nhiều dòng suối nhỏ, nên số lượng nước chảy về nhánh suối Lương rất ít ỏi. Dọc hai bên bờ suối bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá tràn xuống lòng suối, cây cối ngã đổ rất nhiều. Sau trận lũ lụt lịch sử tháng 10/2022, một khối lượng lớn đất, đá đã sạt lở, che lấp dòng chảy, làm mất các điểm tích nước tự nhiên trên mặt suối…
Để “giải cứu” suối Lương, UBND Phường Hòa Hiệp Bắc đã báo cáo lên các cấp trên, đề xuất các phương án, giải pháp khắc phục như: nạo vét, khơi thông dòng chảy từ thượng nguồn; vận động các hộ dân không trồng cây keo ở hai bên bờ suối để tránh sạt lở đất đá; nghiên cứu thi công kè để chống sạt lở; xây dựng hệ thống đập tích nước vào mùa khô; có phương án quy hoạch, quản lý các hoạt động du lịch sinh thái trên dòng suối…
Việc suối Lương bị khô hạn dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nước phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân Hòa Hiệp Bắc, thay đổi môi trường sinh thái trong khu vực, thiếu nước tưới tiêu cho hơn 10 hecta đất trồng lúa ở hạ lưu suối. Suối Lương cũng là dòng suối duy nhất chảy qua địa bàn quận Liên Chiểu và phường Hòa Hiệp Bắc; suối bị khô hạn làm cho địa phương mất đi một tài nguyên quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng. Tuy nhiên, để bảo tồn, khôi phục suối Lương cần nguồn lực lớn để thực hiện các giải pháp căn cơ lâu dài; cần sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền thành phố và người dân địa phương.