Tính đến ngày 22/3, hiện toàn tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và thành phố Phan Thiết với 26.872 hộ dân thiếu nước sinh hoạt cục bộ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ là do tại một số địa phương chưa có công trình cấp nước sạch, người dân chưa được sử dụng nước máy. Vì sử dụng nước sinh hoạt từ giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa... nên vào mùa khô cạn kiệt, không đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân.
Bên cạnh đó, ở một số nơi công trình cấp nước đầu tư đã lâu với công suất nhỏ, khai thác nguồn nước ngầm, nước từ các dòng suối, hồ nhỏ nên không đảm bảo nguồn nước thô cung cấp cho hoạt động nhà máy nước vào mùa khô. Nhiều công trình cấp nước chưa được đầu tư nâng công suất nhà máy, nâng cấp, mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước nên các khu vực cao, xa nhà máy nước áp lực và lưu lượng nước không đáp ứng nhu cầu, nhà máy nước phải điều tiết cấp nước luân phiên gây thiếu nước cục bộ.
Mặt khác, do mùa mưa năm 2023 kết thúc sớm, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao dẫn đến giảm lưu lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên; mực nước ngầm giảm nên có một số công trình cấp nước thiếu hụt nguồn nước thô không duy trì được công suất cấp nước thiết kế.
Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, một số địa phương cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất. Theo thống kê, hiện có khoảng 365 ha cây thanh long và rau màu ở huyện Hàm Thuận Nam đang bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước và khoảng 1.100 ha cây thanh long ở Hàm Tân và thị xã La Gi có nguy cơ thiệt hại do hạn hán.
Để giải quyết tình trạng thiếu nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh theo dõi chặt chẽ lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi, ưu tiên cấp nước thô cho các công trình cấp nước đang khai thác sử dụng trên địa bàn tỉnh có sử dụng nguồn nước thủy lợi để duy trì công suất sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt cho nhân dân đến 30/6.
Trước mắt, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương nơi có công trình cấp nước xảy ra tình trạng thiếu nước thời gian dài triển khai thực hiện phương án chở nước bằng xe bồn từ các công trình cấp nước gần nhất đang có nguồn nước ổn định tập kết tại các điểm lấy nước phù hợp để người dân thuận tiện trong việc lấy nước sử dụng. Cùng với đó, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn vận hành khai thác hết công suất của các Nhà máy nước trong điều kiện hạn hán, thực hiện phương án cấp nước luân phiên và thông báo cho chính quyền các địa phương, nhân dân trên địa bàn biết để thực hiện phương án sử dụng nước tiết kiệm.
Các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế để thất thoát, lãng phí nước; chủ động khai thác, sử dụng nguồn nước tại chỗ từ giếng khoan, giếng đào của hộ gia đình phục vụ sinh hoạt; vận động người dân xây bể, mua bồn tích trữ nước phục vụ sinh hoạt trong mùa khô.
Về lâu dài, ngành nông nghiệp phối hợp các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước, đảm bảo đủ nước sạch cho người dân.
Tính đến ngày 21/3, lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa thủy lợi trong tỉnh còn hơn 115 triệu m³, đạt 31% thiết kế (thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 38 triệu m³). Lượng nước hữu ích hiện tại các hồ thủy điện, Hàm Thuận còn 350 triệu m³ (đạt 67% dung tích thiết kế), hồ thủy điện Đại Ninh còn 155 triệu m³ (đạt 61% dung tích thiết kế)…
Trên cơ sở này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận tiếp tục tận dụng triệt để lượng nước mặt trên các lưu vực sông, suối tích trữ vào các hồ chứa thủy lợi, ao, bàu, đập dâng, kênh trục chính, dự trữ phục vụ chống hạn năm 2024; tính toán cân đối nguồn nước, sử dụng tiết kiệm; ưu tiên cấp nước theo thứ tự: nước sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, đơn vị triển khai sửa chữa, nạo vét hệ thống kênh mương, cửa cống lấy nước; vận động nhân dân nạo vét khơi thông dòng chảy nhằm đảm bảo thông thoát từ đầu mối tới mặt ruộng tại các địa phương để chủ động dẫn nước tưới.