Nhiều nơi thiếu nước tưới
Việc thiếu nước tưới, khiến người dân như ngồi trên “đống lửa” vì sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển, năng suất của cây trồng.
Tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc hàng trăm héc ta trồng mía và chuối cùng các loại cây ăn trái khác đang bắt đầu rơi vào cảnh thiếu nước; trong đó, có nhiều vườn mía đã xuất hiện tình trạng khô héo.
Gia đình anh Cao Văn Thắng, ngụ ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc đang canh tác 5 ha mía và 5 ha chuối. Mặc dù, vườn mía và vườn chuối của gia đình anh nằm ngay sát tuyến kênh mương trữ nước KT1 nhưng ngay từ thời điểm Tết Nguyên đán đã bắt đầu rơi vào cảnh thiếu nước tưới nhưng chưa trầm trọng, thế nhưng khoảng 1 tháng trở lại đây vườn mía nhà anh đã không có nước để tưới. Bốn giêng khoan của gia đình sâu từ 50 - 60m cũng đã cạn kiệt. Vườn chuối đang ở thời kỳ nuôi cây con, còn vườn mía đang trong thời kỳ thu hoạch, việc thiếu nước tưới khiến anh Thắng “như ngồi trên đống lửa” vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển cũng như chất lượng của cây trồng.
“Mía tuy năm nay bán được giá nhưng sức tiêu thụ lại rất chậm so với mọi năm, đến nay, gia đình tôi còn 4 ha chưa tiêu thụ được, việc thiếu nước sẽ làm cây mía khô quắt lại, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và sẽ rất khó bán. Năm nay, thời tiết khô hạn đến sớm hơn mọi năm khiến nông dân chúng tôi trở tay không kịp”, anh Thắng chia sẻ thêm.
Theo quan sát của phóng viên, hiện nay hầu như toàn tuyến kênh mương trữ nước mưa KT1 dài 4km của xã Tân Lâm đã cạn trơ đáy, chỉ lác đác vài chỗ còn nước đọng lại. Trên địa bàn xã Tân Lâm chỉ có hồ chứa nước của Công ty cổ phần nông nghiệp Hoa Lâm, có dung tích 2,9 triệu m3, nhưng cũng chỉ bảo đảm đủ nước tưới cho toàn bộ diện tích cây trồng của Công ty cổ phần nông nghiệp Hoa Lâm. Hồ chứa nước này cách khu vực kênh KT1 này khoảng 3km nên việc bơm nước để phục vụ tưới tiêu trên địa bàn xã cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Lợi, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Lâm cho biết, Tân Lâm là xã thuần nông, với 300 ha trồng tiêu, 60 ha trồng chuối, 40 ha trồng mía và các loại cây ăn trái khác… Tất cả đều đang rơi vào tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng, nguồn nước ngầm bị giảm sút mạnh. Trong khi đó, vị trí địa hình xã lại ở phía trên cao nên đến nay hệ thống thủy lợi kết nối từ hồ Sông Ray (hồ cung cấp nước lớn nhất của tỉnh) về xã lại chưa có nên bà con sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong khâu giải quyết nước tưới.
“Phía UBND xã cũng đã khuyến cáo người dân thực hiện tưới tiết kiệm nước, cầm cự để cây trồng sống sót qua mùa khô”, ông Lợi nói.
Không riêng gì ở xã Tân Lâm, tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc hàng trăm hécta trồng thanh long cũng đang trong tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng. Hồ Sông Hỏa phục vụ tưới tiêu chính cho cây trồng của xã do đang trong mùa khô nên cũng không thể xả nước về các hệ thống kênh mương, nên các kênh dẫn nước cũng như các con suối trên địa bàn xã đều trong cảnh “cạn trơ đáy”.
Gia đình ông Hồ Đình Lâm, ngụ ấp Trang Hoàng, xã Bông Trang có 1,2 ha trồng thanh long và nhãn. Nếu như năm ngoái, thời điểm này nước từ hồ Sông Hỏa còn dẫn về các kênh mương tưới tiêu trên địa bàn xã, gia đình anh còn làm nhãn trái vụ được. Thế nhưng, khoảng 3 tháng nay gia đình anh phải trầy trật với việc tìm nguồn nước tưới tiêu cho vườn cây.
Để dành nước tưới cho vườn thanh long trái vụ đang thời kỳ nuôi trái bán được giá, nên đã 3 tháng nay vườn nhãn của gia đình anh không được giọt nước tưới nào. Cây nhãn không được tưới nước tuy không bị chết nhưng sẽ bị khô và rụng lá ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây sau này.
Còn vườn thanh long do đang thời điểm nuôi trái, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là đến kỳ thu hoạch nên mấy ngày nay, ông Lâm phải đi đào từng vũng nước ở con suối gần vườn nhà tích lại rồi dùng máy bơm bơm về cứu vườn cây, 4 ngày đến 1 tuần mới có thể tưới một lần cho vườn thanh long.
Để hạn chế phần nào việc bốc hơi nước, ông Lâm đã phải đắp rơm quanh trụ thanh long để giữ ẩm, giúp cây “cầm cự” trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, việc thiếu nước trầm trọng, khiến ông Lâm rất lo ngại cho sự phát triển cũng như năng suất của cây, vì hiện nay cây đang cho ra trái trái vụ, đang là thời điểm quan trọng quyết định năng suất, chất lượng của trái thanh long. Bình thường ở giai đoạn này, mỗi ngày cây thanh long phải được tưới 2 lần để đủ nước, dưỡng chất cho trái thanh long phát triển to và đẹp. Tuy nhiên, vườn thanh long của ông giờ chỉ được tưới cầm cự.
Không xử lý trái vụ tại các vùng thiếu nước
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Đại, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuyên Mộc cho biết, trước tình hình khô hạn, ngày 6/3 UBND huyện Xuyên Mộc đã ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện.
Theo đó, UBND huyện khuyến cáo nhân dân xuống giống theo đúng lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; sử dụng các giống thích nghi với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước hạn hán như: tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương,... để tiết kiệm sử dụng nước hiệu quả.
Cùng với đó, UBND huyện yêu cầu Phòng Nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con về mức độ chịu hạn hán, xâm nhập mặn của một số loại cây trồng phổ biến để người dân biết và lấy nước tưới cho phù hợp; kiên quyết không để người dân sản xuất ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới.
Mặt khác, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện lập lịch tưới cụ thể cho từng công trình và từng khu vực sản xuất, thường xuyên kiểm tra khu tưới để kịp thời điều phối nước cho phù hợp thực tế. Bên cạnh đó, tiến hành bơm nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp khi các hồ chứa có mực nước xuống thấp hơn mực nước chết, cụ thể đối với vùng trồng thanh long tại xã Bông Trang.
Dự kiến từ ngày 26/3 đến ngày 30/6 sẽ được bơm hết mực nước chết trong hồ Sông Hỏa để cung cấp nước cho bà con phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; đồng thời, khuyến cáo bà con không tổ chức sản xuất vụ Hè Thu sớm, chỉ sản xuất vụ Hè Thu chính vụ khi có lượng nước mưa đủ.
Ông Nguyễn Quốc Đại cũng khuyến cáo nông dân cần sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí, có kế hoạch tưới phù hợp. Đặc biệt, nông dân cũng nên lưu ý những khuyến cáo của chính quyền địa phương trước các đầu mùa vụ để có kế hoạch tổ chức, sản xuất sao cho hợp lý, tránh ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã giao Chi cục Thủy lợi chủ trì, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi, Trung tâm Khuyến nông và các đơn vị liên quan hàng tuần tổ chức kiểm tra việc điều tiết nước, tình hình sản xuất, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh trên cây trồng.
Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước, thường xuyên cung cấp thông tin và đôn đốc các địa phương thực hiện; đồng thời, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của các địa phương về công tác chống hạn hán, xâm nhập mặn báo cáo kịp thời về lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn báo cáo Cục Thủy lợi khi có yêu cầu.