Theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó với hạn mặn

Trước tình hình hạn mặn đang diễn ra gay gắt trong cao điểm tháng 3 này, tỉnh Sóc Trăng đang chỉ đạo quyết liệt các cấp ngành, địa phương có biện pháp thích ứng cũng như hạn chế thiệt hại do hạn mặn xâm nhập ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho nhà nông.

Chú thích ảnh
Ngành chức năng ở tỉnh Sóc Trăng tăng cường đo mặn ở các tuyến kênh nhằm thông tin cho nông dân trong sử dụng nước tưới tiêu. Ảnh Tuấn Phi/TTXVN

Tại địa bàn Sóc Trăng, tình hình nước mặn xâm nhập từ đầu mùa khô năm 2024 đến nay diễn biến phức tạp, cao điểm từ tháng 2, tháng 3/2024. Các địa phương có nguy cơ ảnh hưởng của hạn mặn cao nhất là tại huyện Trần Đề, Long Phú và Kế Sách; các địa phương còn lại hiện có đê bao và cống ngăn mặn, trữ ngọt nhưng vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu xâm nhập mặn gay gắt tiếp diễn gồm các huyện Châu Thành, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Cù Lao Dung và thành phố Sóc Trăng.

Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng cho thấy, trong thời điểm giữa đến cuối tháng 3 này nắng nóng gay gắt tiếp tục diễn ra và chưa có mưa hay dấu hiệu giảm nhiệt, do đó, hạn và mặn xâm nhập tiếp tục ảnh hưởng xâm nhập sâu vào nội đồng.

Đáng chú ý là độ mặn cao nhất tại đa số các điểm đo tại các địa phương trong những ngày gần đây ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước từ 1,7 đến 8,3‰. Độ mặn cao nhất tại các điểm đo trên sông Hậu tại Trần Đề là 20,6‰, tại Long Phú là 16,3‰, tại Đại Ngãi là 8,9‰, tại Rạch Mọp: 6,4‰, tại Cái Trâm: 3,6‰; trên sông Mỹ Thanh tại Dù Tho: 9,7‰, tại Thạnh Phú: 3,8‰, tại thành phố Sóc Trăng: 3,1‰; trên kênh Quản Lộ Phụng Hiệp tại Ngã Năm: 4,6‰. Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên sông Hậu và sông Mỹ Thanh địa bàn Sóc Trăng ở mức cấp độ 2.

Trước tình hình độ mặn tăng cao hơn cùng kỳ và nguy cơ ảnh hưởng nặng đến cây trồng vật nuôi, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành chức năng và địa phương tăng cường thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin để người dân nắm, chủ động ứng phó kịp thời; đồng thời, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; người dân có ý thức chia sẻ nguồn nước trong hoạt động sản xuất tại địa phương; thường xuyên chủ động kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước vào bơm, tưới đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chuyên môn trong thời gian diễn ra ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn…

Đối phó với hạn mặn, Chủ tịch UBND các huyện Cù Lao Dung, Long Phú đã chỉ đạo ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn thông tin tuyên truyền, hướng dẫn từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Cùng với đó, ngành chức năng thực hiện tốt dự báo tình hình mặn xâm nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng; theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước trên các sông, rạch để vận hành hệ thống cống giúp người dân chủ động trữ nước tưới phục vụ sản xuất. Đặc biệt thông tin về số liệu đo mặn hàng ngày tại các trạm quan trắc đến lãnh đạo UBND huyện, xã, thị trấn và các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook) để người dân nắm bắt kịp thời có biện pháp ứng phó.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, độ mặn đang ở mức cao, để đảm bảo an toàn cho sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng vận hành hợp lý công trình thủy lợi và khuyến cáo người dân tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Sở cũng đề nghị các địa phương chủ động tăng cường công tác thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân ứng phó kịp thời; sử dụng nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chia sẻ nguồn nước trong hoạt động sản xuất tại địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chủ động kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước vào bơm, tưới trong sản xuất nông nghiệp, tuân thủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chuyên môn trong thời gian diễn ra cao điểm hạn hán, mặn xâm nhập...

Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng thông tin, thực hiện các chỉ đạo của tỉnh và ngành nông nghiệp, Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng đã chủ động lấy nước ngọt và đóng các cống ngăn mặn trên địa bàn từ trước Tết Nguyên đán nên hạn chế việc xâm nhập mặn vào những tuyến kênh, rạch trọng yếu ở huyện Trần Đề, huyện Long Phú. Cùng với việc khuyến khích nông dân xuống giống vụ Đông Xuân sớm nên đến nay người dân ở các địa phương vùng ảnh hưởng hạn, mặn đã cơ bản thu hoạch xong nên giảm được ảnh hưởng của diễn biến thời tiết bất lợi.

Với sự chỉ đạo đồng bộ từ các cấp Bộ, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã có dự báo sớm, kế hoạch ứng phó cụ thể nên các cấp, ngành, địa phương và người dân ở Sóc Trăng đã có nhiều biện pháp chủ động ứng phó hiệu quả. Đó là việc tích trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức, vật dụng, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt, đào ao, khai mương thủy lợi nội đồng chứa nước ngọt; vận hành các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt… Hiện ảnh hưởng của hạn, mặn xâm nhập tại Sóc Trăng hiện được thống kê là chưa đáng kể.

Trung Hiếu (TTXVN)
Phòng chống hạn mặn: Bảo vệ an toàn cho diện tích thanh long
Phòng chống hạn mặn: Bảo vệ an toàn cho diện tích thanh long

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa khô 2023-2024, tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực để bảo vệ các vùng trồng cây chuyên canh cây ăn trái; trong đó, có hơn 8.000 ha thanh long ở các huyện, thị phía Đông của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN