Chiếc áo lính cũ…

Ngày ba mất, ông vẫn mặc chiếc áo lính cũ của đứa con trai út đã sờn vai, bạc phếch…

Ngày ba còn sống, ông rất quý chiếc áo lính cũ mà mình để lại nhà trước khi vào Sài Gòn.

Mình đi lính Biên phòng Bình Định. Đi ngày 25/2/1995, ra quân đúng ngày này hai năm sau. Đơn vị trợ cấp 6 tháng xin việc cho Binh nhất là 840 ngàn đồng, bị trừ nợ căn tin ngay trên sổ.


Ngày hôm sau ra chợ bán hai bộ quân phục mới tinh 80 ngàn làm lộ phí nhảy xe đò vào Sài Gòn thử thời vận. “Tài sản” để lại ở nhà là chiếc áo lính cũ, bạc màu nắng suốt hai năm lăn lóc trên thao trường…


Mình xin làm đủ thứ nghề lao động phổ thông ở Sài Gòn, vừa ôn thi. Ba tháng sau, báo Tuổi Trẻ đăng danh sách trúng tuyển Đại học KHXH&NV có tên mình ở mục Rao vặt. Bà chị nói thằng này học ngành Báo chí, mai mốt ăn giấy hả bay…


Ba mình năm 1997 đã 72 tuổi rồi. Tính ông hiền lành, thật thà, ít nói! Thương con cái qua những lời khuyên bảo thầm thì, cả mắng mỏ mấy đứa con cứng đầu. La mắng con xong, ông sợ nó buồn lại giả vờ cười cười rồi nho nhỏ hát những câu vui tai.


Ông mặc chiếc áo lính cũ của mình. Bất kể trời nóng hay lạnh.


Nghỉ hè về Quy Nhơn chơi cả tháng, thấy ba mặc chiếc áo lính cũ. Tết về thăm nhà, vẫn thấy ba nâng niu cái áo lính cũ.


Ba bảo, mặc cái áo này sướng nhứt. Ông hay tự hào khoe với mấy bạn già, tao có thằng con đi bộ đội, áo này của nó tặng.


Ba ốm yếu nhưng không đau bệnh nặng hoặc có đau chắc ông cũng ráng chịu đựng. Nhớ có lần ba sốt cao, cả nhà muốn đưa ông vào bệnh viện, ba nằng nặc đòi ở nhà, chết cũng được. Nhập viện là nỗi ám ảnh của ba, dù chế độ của ông ở khu trung cao, không tốn một đồng. Chỉ là có một lần, cha bác sĩ nào đó lớn tiếng hỗn với ba, ông ghét và sợ.


Hồi lính, có lần nghe tin ba ngã cầu thang chảy máu đầu đầm đìa, mình hoảng quá xin về. Đơn vị không cho vì chỉ có mỗi mình là lính thông tin, nghỉ không ai làm. Mình nhảy xe về luôn, sợ ba có mệnh hệ gì. Đồn trưởng họp xét kỷ luật cái tội bỏ tác chiến, mình tỉnh như ruồi. Đó là lần duy nhất mình sai phạm nặng mà không thèm hối hận.


Ba ít nói và mình hay đi nên hai cha con hiếm khi ngồi nói chuyện với nhau lâu.


Lần nào về cũng thấy ông mặc chiếc áo lính cũ.


Nhà 6 anh chị em, chỉ có mỗi mình ở xa nên ông nhớ mình nhất. Mẹ mình mất ngày 14/2/2005, còn mỗi ba lủi thủi. Mỗi lần nhớ mẹ, ba lên bàn thờ thắp nén nhang rồi lại khóc.


Những giọt nước mắt khô khốc…


Vài tháng không thấy thằng con út về thăm nhà, ba đều hỏi các chị rồi đòi gọi điện thoại cho mình. Nhớ hồi vào Đại học, ba viết thư cho con trai út, dặn dò đủ chuyện. Nhà có mỗi con học lên cao hơn anh chị. Con là niềm tự hào của gia đình. Nhớ giữ mình. Nghèo cho sạch, rách cho thơm nghen con…


Ba không có quà gì lớn cho con. Nghe nói Sài Gòn mùa mưa, ba gửi cho con một cái áo mưa sợ con đi đường ướt lạnh mà bệnh.


Mỗi năm có mấy lần công tác tranh thủ về thăm, mình luôn thấy ba mặc chiếc áo lính cũ.


Ba không bệnh tật vặt, mà yếu đi nhiều. Ông gầy quá!


Năm 2013, ông 88 tuổi rồi.


16 năm qua, ba vẫn mặc chiếc áo lính cũ! Mấy lần sinh nhật ba, mình hay xin quần áo cả lính lẫn sĩ quan của mấy đứa bạn cũ tặng ba, ông vui lắm! Nhưng cất kỹ chứ không mặc, chỉ sung sướng khi khoác lên chiếc áo lính cũ của đứa con trai út đã sờn vai, bạc phếch…


Ba hay ngồi trước cửa nhà hoặc đi lang thang trên các con phố. Chiếc áo lính cũ giờ đã thùng thình. Dáng ba liêu xiêu, loang lổ màu nắng hằn trên chiếc áo lính cũ.


Ông bị lẫn.


Nhiều lần ba nhặt tờ tiền 100 đô la trên đường, mừng húm. Ba cầm về giả vờ nghiêm nét mặt đưa cho chị cả, nói cầm lấy đi chợ mua cái gì ngon ngon ăn. Lần nào bà chị cũng ôm ba ứa nước mắt.


Tờ đô la âm phủ…


Ba hay nhặt nhạnh mấy thứ linh tinh, như cái nút áo hay sợi chỉ, đồng xu, tờ tiền rách dưới đường, đưa cho bà chị cất để khi cần có cái mà dùng.


Ba tiết kiệm và liêm chính hồi giờ. Năm 1979, Nhà nước muốn cấp cho ba một căn nhà để yên tâm làm việc nuôi vợ và 6 đứa con. Ông nói không cần, cấp cho cán bộ khác còn khổ hơn chưa có nhà, vì ông và vợ con ở ké nhà đứa em họ được rồi. Mẹ hồi ấy giận ba lắm, vẫn ráng cặm cụi buôn bán nhỏ, mãi đến mấy năm sau mới vay mượn mua căn nhà 7 cây vàng cho anh chị em mình ở đến bây giờ.


Ba gầy quá. Tóc bạc trắng hết.


Ba vẫn hay ngồi trước cửa nhà. Mấy tháng cuối năm 2013, ba hay nói với các chị rằng đêm qua tao nằm mơ thấy thằng Tuấn về thăm tao nghen bay. Nhiều khi ba thấy ai loáng thoáng trên đường, thường hay nói với mấy chị tao thấy rõ thằng út về Quy Nhơn rồi, sao nó chưa dắt vợ con về nhà thăm tao nữa bay.


Nửa chiều đêm Noel, ba ăn cơm xong than mệt. Ông thở khó nhọc lắm! Ba hụt từng hơi. Mấy bà chị điện thoại cho anh rể về, bảo bế ba ra xe vào bệnh viện. Ông xua tay như có ý bảo không cần.


Ba không nói được nữa rồi. Ông hớp từng ngụm nhỏ không khí, chừng hơn 20 phút…


Ba không còn hụt từng hơi nữa, lúc 19 giờ 25 phút đêm Noel.


Có điều lạ lùng khi lần lượt từng đứa con vuốt mắt ba không nhắm. Cả nhà vừa khóc vừa sợ. Ông anh rể cầu nguyện rồi rì rầm: “Ba ơi, thằng Tuấn ở xa, chắc không kịp đưa vợ con nó về gặp mặt ba lần cuối đâu. Nó thương ba lắm! Ba hãy nhắm mắt đi thanh thản cho tụi con nhẹ lòng…”. Tâm sự xong, anh rể vuốt mắt ba lần cuối. Ba nhắm mắt, thần thái nhẹ nhàng như một giấc ngủ.


Nhiều người lớn trong xóm bảo, ba chia tay cõi tạm như một ngọn đèn cháy đều đặn cho đến lúc hết dầu. Mình ước mai mốt chết được như ba.


Ngày ba mất, ông vẫn mặc chiếc áo lính cũ của đứa con trai út đã sờn vai, bạc phếch…


Chỉ 10 ngày sau là sinh nhật ba, con đã tính nhân dịp này về quê tổ chức đại thọ 90 tuổi cho ba, mà không kịp nữa rồi.


Nhiều đêm rồi con không ngủ, cứ thấy chập chờn dáng ba liêu xiêu, loang lổ màu nắng hằn trên chiếc áo lính cũ…


C.T/Báo Tin tức
Thư tình trên ngọn bàng vuông
Thư tình trên ngọn bàng vuông

Cây bàng vuông có mặt ở quần đảo Trường Sa có từ năm 1979. Một người lính đảo đi tuần tra đã nhặt được một quả lạ có hình khối vuông đem về ươm trồng. Vài năm sau cây trổ hoa kết quả. Cứ thế bàng vuông bén đất, tỏa bóng xanh mát, làm duyên dáng, ướp hương cho đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN