Gọi là cưới chui hay cưới chạy gì cũng được. Trước đây, tôi là sinh viên kiến trúc. Năm học thứ hai, vì “trọng nghĩa khinh tài” đuổi đánh thằng sinh viên mạo phạm. Nó bị té cầu thang lăn ra chết. Tôi bị kêu án mười lăm năm, nhờ cải tạo tốt, tôi được giảm án còn mười năm thì về.
Về đến nhà, ông cụ Lềnh là hàng xóm sang nhà tôi nheo nheo mắt nói:
- Mẹ cậu theo ông giám đốc rồi , ông ấy 60 tuổi góa vợ, nhiều tiền lắm. Nơi ở của mẹ con tôi có vườn cau, ao cá, phía sau là ngôi nhà cổ hai trăm năm tuổi. Cha tôi mất năm tôi vào tù, để lại ba tác phẩm chưa xuất bản và cái danh xưng nhà văn chưa tên tuổi. Mẹ tôi là dân buôn bán ở chợ huyện. Cha gặp mẹ trong một lần túng kế phải bán đi năm cuốn sách, thế là nên duyên. Ngôi nhà cổ của cha tôi được xây từ thời cụ tổ năm đời của tôi khi đó đang là tri huyện. Mẹ tôi về nhà chồng thấy đồ cổ nhiều cứ đem bán dần. Đến khi cha tôi phát hiện ra thì đã gần hết.
Cha tôi tra hỏi thì mẹ nói:
- Tôi không bán thì lấy đâu ra tiền cho ông in hai tập thơ. Ông vẫn bảo vợ là đồ cổ mà. Tôi về nhà được vài tuần thì mẹ tôi về, mang theo một vali đồ đủ cho cuộc sống của một cặp vợ chồng.
Mẹ tôi nói:
- Mẹ hy sinh vì con đó, ở với lão giám đốc năm năm, mẹ gom đủ tiền cho con có vốn làm ăn.
Ông cụ Lềnh sang, nheo mắt cười:
- Đáo để thế. Cụ Lềnh chỉ có một con mắt. Đôi khi cụ nhìn ai thì như Hạ Hầu Đôn xông vào chém Tào Tính (*).
Từ ngày cưới vợ, tôi lại nổi máu văn nghệ của ông cha cầm bút. Mẹ tôi nói:
- Không khéo rồi lại như cha mày. Còn vợ tôi thì cổ vũ:
- Em được làm vợ nhà văn thì khác nào nàng Kiều được trở lại cảnh đoàn viên.
Ông cụ Lềnh sang thấy tôi cầm bút viết văn, cụ nói:
- Lão có chuyện này, cậu mà viết được thành sách thì lão chết không nuối tiếc. Cụ Lềnh về làng tôi đã hơn hai mươi năm nay. Cụ ở một mình không có con và không có ai thân thích. Cách đây bốn hôm, có một người đàn bà mù vào nhà cụ bán tăm, cụ mua ủng hộ rồi còn mời ở lại ăn cơm và biếu tiền đi dường.
Cụ nói với tôi:
- Bà ấy giống vợ tôi ngày xưa lắm. Rồi cụ trầm ngâm kể cho tôi nghe chuyện đời của cụ.
*
* *
Năm mười tám tuổi, Lềnh là đô vật nổi tiếng làng Thình. Người Lềnh rắn khỏe như chàng Thạch Sanh trong truyện cổ tích. Cha Lềnh làm nghề buôn trầ. Mẹ Lềnh mất sớm, cụ ông nuôi Lềnh đến năm mười tám tuổi thì cụ bị bệnh liệt cơ vòng không làm chủ được đại tiện nên phải nằm một chỗ.
Trong làng có nhiều cô gái để ý đến Lềnh nhưng nhìn cái gia cảnh đó thì họ ngần ngại rồi lặng lẽ rút lui. Duy chỉ có lão Trứ là không nề hà mà chọn Lềnh làm con rể. Lão Trứ có cô con gái đẹp nhưng chưa bao giờ được ngắm nhìn nhan sắc của mình. Cô gái bị mù, tên là Lựu.
Một lần, Lềnh đến nhà lão Trứ làm thuê. Đang bổ củi thì nghe tiếng la. Lềnh chạy vào thì thấy Lựu đang nửa thân hình lồ lộ. Thế rồi hai người thân nhau. Ngày nào Lựu cũng đòi cha mướn anh Lềnh về làm công. Còn Lềnh thì cũng chẳng muốn làm cho ai khác ngoài nhà Lựu. Thế rồi Lựu về làm dâu nhà Lềnh.
Ngày cưới, có người mỉa mai:
- Ba người một nhà mà chỉ một người lành lặn. Vậy mà, từ ngày có Lựu, căn nhà Lềnh gọn gàng như có cô Tấm bước ra từ quả thị. Ngoài nấu ăn giặt giũ, Lựu còn biết đan áo, thêu thùa. Chỉ một thời gian ngắn sau, ngôi nhà của họ đã có thêm thành viên mới. Lão Trứ có chục mẫu ruộng cách nhà mấy chục cây số.
Một hôm, lão nói với anh con rể:
- Anh lên trông nom việc thu thóc của tá điền, việc ở nhà để tôi cử người trông nom.
Lềnh đi. Hàng xóm của Lềnh có một người tên là Thủ. Thủ là đối thủ của Lềnh trong mọi hội vật. Hai người luôn gặp nhau trong trận chung kết và phần lớn Thủ đều thua. Thủ vẫn căm Lềnh lắm. Vào một hôm, đúng vào ngày Lềnh hẹn về thăm vợ. Hắn mò sang nhà Lềnh.
Vợ Lềnh đang ngủ say. Hắn lẻn vào giả giọng Lềnh ôm Lựu vào vòng tay rắn rỏi không kém gì Lềnh. Đúng lúc đó, Lềnh về, một đòn hơi quá tay làm Thủ lăn quay bất tỉnh, sau đó thì chết. Lão Trứ dù có thế lực ở làng cũng chỉ chạy được cho Lềnh khỏi tội chết.
*
* *
Cách mạng tháng Tám thành công. Lềnh tham gia phá ngục bắt tên tri huyện có nợ máu với dân đem nộp chính quyền cách mạng. Rồi Lềnh tham gia kháng chiến một mạch cho đến hết chiến dịch Điện Biên Phủ mới trở về.
Khi về đến nhà thì chẳng thấy vợ con đâu. Hỏi thăm thì được biết, cả nhà lão Trứ đã di cư. Lềnh lại rời làng ra đi. Rồi chiến tranh đã ngăn cách Lềnh với làng và vợ. Nơi dừng chân cuối cùng của Lềnh là ngôi nhà bên sông Cái của làng tôi.
*
* *
Kể xong câu chuyện, cụ Lềnh nheo mắt nhìn tôi hỏi:
- Cậu đã bao giờ yêu chưa? - Dạ, cũng có nhưng chỉ như gió thoảng thôi cụ ạ?
- Vậy thì cậu không hiểu được tình cảm của tôi dành cho bà ấy đâu. Bao nhiêu năm qua, tôi cứ mơ bà ấy hiện về. Bà ấy đẹp như bức tranh cậu vẽ đó. Lão chỉ bức tranh tôi vẽ cách đây hơn mười năm, trong một lần đi thực tế ở miền Trung bắt gặp các cô gái Chăm đi lấy nước. Lão nhìn bức tranh rồi lại nhìn ra xa xăm.
Ngoài kia, con sông Cái đang mùa nước cạn. Những doi cát nổi lên như những con thuyền nằm phơi nắng. Tiếng những người đánh cá gõ vào mạn thuyền nghe khô khốc. Hôm sau, tôi lại qua nhà cụ chơi nhưng chẳng thấy cụ Lềnh đâu.
Cụ chỉ để lại cho tôi một tờ giấy ghi mấy dòng như sau: “Cậu viết cái gì cũng được, nhưng cậu đừng ghi tên thật của vợ tôi vào truyện. Bà ấy mất đã gần chục năm nay”.