Cấy dặm mùa xuân

Ngày chưa vợ, ba tôi từng có một mối tình. Đắm say; nhưng không thành. Người ấy là cô Năm Tươi cùng làng. Cô Năm Tươi xinh gái, phổng phao, con một. Cha cô, ông Xã Bảy, là xã trưởng đương chức, quyền thế và giàu có. Ba tôi được cái đẹp trai, ăn nói có duyên; nhưng nghèo rớt, lại mồ côi. “Đũa lệch” từng ấy, chẳng hiểu gặp nhau, đầu mày cuối mắt thế nào mà anh ả lại say nhau...

...Ông Xã biết, nổi cơn tam bành: đũa mốc muốn chòi mâm son ư, đừng có mơ! Năm lần bảy lượt ông vác hèo mây rượt ba trối chết mỗi bận thấy ba lấp ló sang tìm cô Năm. Mặc cảm, thua buồn, ba bỏ làng cầu thực tha phương. Rồi ba gặp mẹ. Cưới, dắt nhau về mới hay: gia cảnh cô Năm giờ đang sa sút. Ông Xã cha cô bị bạo bệnh, chữa hoài không khỏi, tiền của lần lượt theo bệnh của ông đội nón ra đi. Rồi ông cũng đi. Nghe nói trước ngày mất, ông hối cô Năm lấy chồng. Vài đám dạm hỏi, cô Năm cương quyết một không hai không, bảo để ở vậy thờ mẹ nuôi cha. Ép già thì cô khóc, đòi sống chết. Vậy là thua. Ông Xã ra đi mà không nhắm được mắt…
 Ba về, thấy cô Năm chưa chồng thì nghẹn giọng. Còn cô Năm, cô đổ bệnh liệt hơn nửa năm trời mới gượng dậy. Ngày bà Xã mẹ cô sắp mất, ba qua thăm, bà cầm tay ba, khóc: biết vầy, hồi đó bác đâu cấm tụi bây chi…
*
Ba bốn mặt con rồi mẹ vẫn ngầm ghen với cô Năm. Có lần chuyện tầm phơ, anh Hai tôi thắc mắc, sao cô Năm Tươi nhà giàu đẹp gái vậy mà ở đến giờ không lấy ai? Mẹ liếc xéo ba, ỡm ờ: Bã ở chờ… ba mày á chớ sao? Ba cau mặt, quát: Cái bà này…

minh họa: TRẦN THẮNG


2.
Mẹ không ưa kệ mẹ; anh chị em tôi đứa nào cũng ưa cô Năm!
Nhà cô Năm ở cuối xóm, cách nhà tôi độ mươi nóc. Căn nhà ngói cổ năm gian bề thế, kèo cột lô nhô đứng sắp hàng như duyệt binh. Sản nghiệp, quyền thế một đời theo ông Xã ra đi, may nhà vẫn còn. Mình cô Năm trong ngôi nhà rộng rinh, lầm lũi như chiếc bóng vào ra. Vậy nên, thấy chúng tôi sang thì cô Năm mừng. Cô gọi chúng tôi bằng con. Cô xăng xái dắt chúng tôi ra vườn hái xoài, hái ổi, hái cam. Nhà có món gì cô cũng lôi ra cho uống cho ăn. Cô chải đầu cho tôi, bắt chấy cho chị Tư. Cô còn vá áo cho anh Hai lần anh trèo cây bắt tổ chim bị toạc áo, sợ mẹ đánh không dám về nhà…
Vậy nhưng, không nói ra miệng thì ai cũng biết: cô thương tôi nhất!
Mỗi bận thấy tôi sang, mắt cô bừng sáng. Cô bắt tôi ăn cơm cùng cô. Rảnh, cô chỉ bài tôi học, tắm rửa, chải đầu, kẹp tóc cho tôi. Hồi mới bấm lỗ tai, thấy tôi đeo đôi hoa tai giả mẹ mua, cô sợ mưng mủ, tháo ngay hoa tai vàng thật của cô đeo thay vào. Tôi sướng gần bằng lên tiên, xúng xính đeo về nhà đi khoe sắp lượt. Mẹ biết, quát ầm, bắt đem trả! Lần khác, cô nựng, vuốt tóc tôi nói nửa đùa: muốn… ở với cô không? Về xin ba mẹ rồi sang đây ở, cô nuôi! Có khi, cô nhìn tôi chăm chăm hàng buổi rồi lẩm bẩm, thẫn thờ: giống quá…
Tôi biết mình giống ba. Rất giống!

3.
Khoảnh ruộng 4 sào vụ đông xuân sạ gặp mưa, hư nặng.
 Mẹ kình dữ, bảo ba làm ăn không coi trước coi sau, nhè trúng đợt mưa đem đổ giống. Ngày hết Tết tới, ai đâu rảnh lo chuyện cửa nhà còn đi vá dặm? Ba loay hoay đỡ đạn: thôi, bà đừng kình nữa, để tui lo… “Vỗ an” mẹ cho qua truông; chớ ba lo gì được. Là ba ỷ lại có chị Tư. Chị Tư làm lụng cấy hái giỏi giang không kém cạnh mẹ. Vụ ba “ngó chừng” chị Tư mẹ chẳng lạ; vậy nên, kình đã miệng xong thì mẹ vẫn phải ra tay khiển tướng điều binh. “Đội hình đi cấy” được thiết lập: một ba, một chị Tư; thêm tôi nữa là ba cho… tăng khí thế. Chị Tư nhìn “đội hình”, ngán ngẩm: trời ạ. Con Út với ông ba đi… nói dóc thì ngon chớ cấy hái gì! Chị Tư than vãn kệ chị Tư; mẹ nhượng bộ vậy đã là quá. Cuối năm, chuyện nhà cửa, vườn tược còn bề bề ra kia! Chưa hết, mẹ còn hăm: tới 30 Tết mà ruộng không xong thì cha con ông biết tay tui…
*
Quần quật hai ngày trời, cố tách, nhổ tỉa những cụm lúa dày đem trưng cấy dặm những chỗ hư chỉ còn đất trống trơn. Hết sức hết hơi cũng chỉ mới xong hơn nửa đám. Chị Tư hối ba sang các ruộng bên tìm hỏi xin mạ. Không xin được. Không ai cho….
Tôi bệu bạo theo lệnh chị lên bờ. Chuyện xin xỏ, nói thiệt tình, tôi có khá hơn ba là bao. Lếch thếch kéo chân đến đám ruộng thứ 5 thì tôi thấy… cô Năm Tươi. Hóa ra, ruộng cô Năm gần ruộng nhà tôi. Mừng quá!
- Cô Năm ơi, Cô Năm…; tôi bì bõm lội ra chỗ cô, giọng mếu máo như khóc.
Cô Năm dừng tay cấy, ngẩng đầu:
- Trời, con Út! Ra chi ngoài này vậy con? Sao khóc?
- Con đi… cấy dặm. Chị Tư…
Cô Năm bật cười:
- Mầy mà cấy với dặm gì. Sao, chị Tư làm sao?
- Chị Tư biểu đi xin mạ mà con… con hông biết xin…
À, cô Năm vỡ lẽ. Lại cười:
- Được rồi. Thôi, không khóc nữa, để cô lo. Về kêu con Tư qua đây, phụ nhổ với cô…
Tôi hớn hở quệt mắt cười toe, chạy về truyền đạt “ý chỉ” của cô Năm. Ruộng cô Năm không hư, lúa dày. Hai chị em hì hục, có cô Năm phụ một tay, non buổi đã nhổ được đống mạ to. Ba không xuống ruộng; chỉ loanh quanh trên bờ chờ… chuyển mạ. Mấy lần dợm bước xuống; nghĩ sao ba lại thôi. Trông ba bứt rứt khổ sở!

4.
Cấy được hai phần mạ, chị Tư kêu mệt, loạng choạng vô bờ.
Lạch bạch dìu được thân hình cao lớn của chị Tư vô đến bờ đã bở hơi tai, chưa kịp thở lấy hơi đã thấy chị … ngã lăn, co giật chân tay, trào bọt mép! Tôi phát hoảng khi nhớ đến căn bệnh động kinh lưu niên của chị. Ở nhà thì có mẹ lo; đây chỉ mình tôi với chị giữa đồng. Nhìn quanh: đồng trống huơ, không một bóng người. Cuối năm, đâu ai còn mẫn cán như chị em tôi  mà bơi ngoài ruộng!
May quá, có cái chấm đen đang vác cuốc đi trên bờ vùng; chút xíu nữa khuất. Xa, nhưng không khó khăn gì để tôi nhận ra cô Năm Tươi. Sấp ngửa lao lên bờ, chạy bay tóc bay tai theo cô, tôi vừa réo, ngoắc, hú gọi cô Năm vừa khóc. Âm thanh từ cổ họng tôi phát ra giữa cánh đồng trưa chắc “khủng khiếp” lắm nên cô Năm dừng phắt! Rồi cô vứt cuốc, chạy ngược; loáng cái đã có mặt “hiện trường”. Nhìn bộ dạng chị Tư, cô Năm cũng hoảng lây. Con Tư sao vậy? Trúng gió? Không chờ tôi đáp, cô Năm hối hả kê mình, xốc gọn chị Tư lên lưng, cõng chạy vô xóm. Đặt được chị Tư xuống thềm nhà bà Tám Nhân, tôi mới kịp hoàn hồn để bảo cô Năm: chị Tư bị động kinh…
*
Xế chiều; được cô Năm và bà Tám chăm sóc tận tình, chị Tư tạm qua cơn. Vừa ngồi được, chị đã loạng choạng đứng lên, đòi ra… cấy tiếp. Cô Năm trợn mắt:
- Mầy… khùng hả? Chút chết ngoài ruộng luôn còn cấy với hái. Nghỉ khỏe đi rồi chị em dắt về. Ruộng không xong ra giêng tính!
- Nhưng không xong mẹ cháu mắng. Ra giêng mạ già…
- Sợ già thì… mồng một đi cấy. Bữa nay không có làm liều! Nghe cô, về nhà đi…
Lần đầu tiên nghe giọng cô Năm hung dữ, quyền uy; không khác giọng mẹ!

5.
30 Tết
Ba ra thăm ruộng. Về, giọng ngạc nhiên: ruộng nhà mình ai cấy hồi nào mà kín hết trơn? Chị em tôi không hẹn cùng đưa tay bụm miệng, nín thinh. Mẹ nghe hơi sững người; nhưng cũng nín. Ba gặng già, mẹ ngập ngừng đáp: thì… tui cấy đó, ông hỏi chi hỏi miết?
Chiều. Mẹ lẳng lặng soạn một bọc to bánh trái; xong kêu tôi: thay đồ rồi mang cái này qua cho… cô Năm, nói mẹ gửi biếu cô ăn Tết cho vui. Lưỡng lự một hồi mẹ dặn thêm: có muốn đón giao thừa cùng cô thì cứ ở chơi bên đó, sáng về…q

Y Nguyên
“Cho em gần anh thêm chút nữa” – câu chuyện tình yêu đầy cảm xúc
“Cho em gần anh thêm chút nữa” – câu chuyện tình yêu đầy cảm xúc

Lấy cảm hứng từ tập truyện ngắn cùng tên của nhà văn Gào, đạo diễn trẻ sinh năm 1983 Văn Công Viễn đã thực hiện một bộ phim đầy cảm xúc về giới trẻ hôm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN