Bi kịch khi giữ con bên mình

“Nhà có điều kiện, con trai đẹp, con gái xinh, học hành đầy đủ tội gì phải đi đây đi đó làm gì. Chúng mày cứ ở bên bố mẹ, vừa có hiếu, cơm thừa ăn, muốn gì được nấy”, chị Minh gia giả dạy hai đứa con từ khi chúng mới chân ước chân ráo vào đại học.

Ở một vùng đất giáp ranh Hà Nội, làng chị Minh sinh sống có tiếng về buôn may bán đắt từ nhiều đời nay. Anh chị cũng phất lên nhờ làm ăn kinh doanh. Chỉ cần có cái chữ, cộng con số, cái óc nhanh nhạy, vợ chồng chị Minh đã gây dựng được một gia đình có của ăn, của để. Có đất để dành để bán khi cần.

Nhiều cha mẹ, con đã trưởng thành nhưng vẫn muốn là người lót đường cho con đi mỗi ngày.


Hai con của chị Minh, một trai, một gái đều đang học hai trường đại học lớn ở Hà Nội. Nhưng ngay từ khi xa nhà, chị dặn con: “Mẹ cấm hai đứa không được yêu đương người tỉnh lẻ. Chỉ giới hạn trong phạm vi từ Hà Nội về đến cửa nhà thôi. Gần cha, gần mẹ, còn được nhờ. Xa gia đình là khốn khổ, biết chưa”.


Hai đứa trẻ vốn biết vâng lời, thời sinh viên không dám yêu bất cứ ai. Còn về phần mình, chị Minh ra sức buôn bán để có của xin việc, dựng vợ, gả chồng cho con.


Khi hai con tốt nghiệp đại học, chị bảo chúng hãy nghỉ ngơi một thời gian. Còn chị đã chuẩn bị sẵn hàng tỷ đồng để xin cho con vào cơ quan đúng ngành nghề. Hai sinh viên mới tốt nghiệp răm rắp nghe lời mẹ. Không đi tới bất cứ nơi nào, chỉ loanh quanh nơi ở để chờ việc. Trong khi chúng bạn soạn hồ sơ xin việc hoặc đã đi làm thêm để thêm kinh nghiệm sau khi tốt nghiệp.


Sau một năm ra trường, cậu con trai của chị cũng đã được nhận vào cơ quan kiểm soát của huyện. Sáng sáng cậu cắp cặp đi làm sớm để pha trà, rót nước, đọc báo cáo. Chiều đến, cậu theo chân các đàn anh đi đánh golf, tennis hoặc vào những quán nhậu đỡ rượu cho sếp. M năm ròng rã như vậy, chị Minh nhìn thấy không khỏi xót xa nhưng lại tặc lưỡi “Cuộc đời phải như vậy thì mới thấm được. Muốn làm công chức cứng thì phải thế. Phải tập tành quan hệ thì mới nên người.


Còn cô con gái tốt nghiệp ngành kinh tế ngoại thương chị vẫn chưa ngắm được nơi nào ưng ý ở huyện này. Thả con ở Hà Nội chị cũng không nỡ. Vì “con gái hơ hớ như vậy, vào tròng là hỏng việc của chị ngay”. Thay vì gợi ý để con đi làm, chị Minh bảo con đi học ngoại ngữ, chị tiếp tục chu cấp tiền. Nhưng cô con gái được học trong môi trường đa ngành, năng động cũng phản kháng lại đòi đi làm. Chị Minh đành đồng ý. Rồi thấy nhiều con gái trong làng đều đã cưới chồng, chị Minh ra điều sốt ruột. Cuối cùng chị cũng nhắm được gia đình để con gửi thân. Đó là một gia đình ngay dãy sau nhà chị. Con trai họ cũng được học hành đầy đủ. Đám cưới được tổ chức linh đình, ăn liên tục trong 3 ngày. Trong buổi tiễn con về nhà chồng, chị đứng lên trước quan viên hai họ trao cho con gái sổ đỏ mảnh đất có trị giá hơn 3 tỷ đồng ở mặt tiền khu phố mới. Ai ai trong làng cũng suýt xoa vì sự rộng lượng của chị.


Cậu con trai từ chân thử việc đã được chị Minh lo liệu làm chuyên viên chính sau 3 năm đi làm. Chị tặng con trai một chiếc xe CX5 để tiện đưa gia đình đi lại. Đồng thời, chọn con dâu chị cũng chọn thay cho con. Chị tâm sự: “Giờ yêu thương nhau không đủ, phải đủ tiền. Hơn nữa, gần nhà là tốt hơn cho việc đi lại rất nhiều. Cũng may, các con tôi đều hiểu”.


Nhưng vì cái gì cũng sẵn có, cậu con trai ngoan của chị năm nào giờ đã trở thành con sâu rượu. Lương công chức không đủ với những thú tiêu khiển hạng sang, chưa kể còn chăm sóc sếp, cậu con trai cứ hàng tuần hỏi ví mẹ. Giờ chị nuôi cả con trai, con dâu và cháu nội nhưng vẫn kịp khoe với khắp nơi: “Được cái chúng vâng lời”.


Trong khi bỏ tiền ra chăm gia đình con trai thì chuyện con gái cũng khiến chị Minh không khỏi đau đầu. Đó là bỗng dưng cậu con rể lại mắc bệnh yếu tinh trùng. Rồi nghe kể về cái chết bất thường của ông thông gia, chị Minh lại ngày đêm suy nghĩ. “Con gái mà vào gia đình như mà “giống” không tốt thế này thì hỏng”. Chị lấy lý do mệt để xin con gái về nhà mình chăm mẹ ốm. Qua những ngày bàn bạc, chị bảo con bỏ chồng. Vì “Chưa con cái gì, lại xinh đẹp, tốt nghiệp đại học lớn, xin đâu chả có việc thì còn lấy được chồng”. Cô con gái lại tiếp tục vâng lời mẹ. Vậy là chị lại mang cái tiếng với cả làng nước là “con gái bỏ chồng vì chê nhà chồng yếu”. Còn chị thì thở phào: “May mà sổ đỏ vẫn đứng tên chị chứ không thì…”.


Chuyện của nhà chị Minh tiếp tục được đưa ra để nơi nơi bàn tán. Chị đành cho con gái đi làm ở Hà Nội để bớt tiếng dữ. Chị vẫn không ngớt lời rằng mình tính như vậy là sáng suốt cho con. Nhưng biết đâu, bao công sức chăm con trưởng thành, lại vẫn tiếp tục bao bọc thì câu chuyện gia đình chị sẽ tiếp diễn ra sao. Đó thực sự là bi kịch cho những đứa con sớm được cha mẹ “quản” từ A tới Z. Câu chuyện gia đình chị Minh như tấn kịch giữa thời hiện đại khi cha mẹ khư khư giữ con bên mình, để mãi là người lót đường mỗi bước chân con qua. 

AH/Báo Tin tức
Quảng bá du lịch vẫn nặng tính tự phát
Quảng bá du lịch vẫn nặng tính tự phát

Hạn chế của công tác xúc tiến du lịch hiện nay vẫn tình trạng chưa có kế hoạch dài hơi. Nhiều địa phương có thế mạnh du lịch chưa chủ động kế hoạch quảng bá mà phần lớn làm tự phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN