Quảng bá du lịch vẫn nặng tính tự phát

Hạn chế của công tác xúc tiến du lịch hiện nay vẫn tình trạng chưa có kế hoạch dài hơi. Nhiều địa phương có thế mạnh du lịch chưa chủ động kế hoạch quảng bá mà phần lớn làm tự phát.

"Cứ thích là đi quảng bá"

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Chúng ta quen xúc tiến theo cách truyền thống là có gì bày cái đó. Nay muốn hiệu quả như các nước cần biết thị trường trọng điểm là đâu và họ muốn gì. Hơn nữa, xúc tiến quảng bá trước hết phải làm sản phẩm, trong vòng 5 năm phải có sản phẩm mới thì mới mong giữ được khách cũ và kéo khách mới.

Một góc Vịnh Hạ Long. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Việc quan trọng nhất xác định đối tượng khách của Việt Nam là gì thông qua các nghiên cứu về thị trường, nhất là khảo sát tại các hội chợ quốc tế, các cửa khẩu... Tuy nhiên, việc này lâu nay chỉ làm mang tính chất nghiên cứu, có tính cục bộ và chưa được công khai. Trong khi đó, trang web của Tổng cục Du lịch Singapore thường xuyên cập nhật các nghiên cứu, đánh giá thị trường, xu hướng dịch chuyển khách để các doanh nghiệp du lịch khai thác và tạo sản phẩm du lịch.


Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch thừa nhận “mỗi người một phách” khi xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Cùng quan điểm, ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, các địa phương đang làm theo kiểu thích là lên đường đi quảng bá xúc tiến, làm một cách tự phát, không biết thị trường nào là trọng tâm trọng điểm.


Ở góc nhìn doanh nghiệp, theo ông Ngô Minh Đức, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, thì các doanh nghiệp địa phương cũng đang tự làm, “mỗi ông một phách, không biết có trúng hay không, có hiệu quả hay không”. Từng đi xúc tiến du lịch nhiều lần, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Golden Tours đánh giá công tác xúc tiến của Tổng cục Du lịch ngày càng chuyên nghiệp, tuy nhiên các tỉnh lại lãng phí bởi mời hàng trăm khách và người mua nhưng bên bán chưa đến chục người.


Do đó, các chuyên gia du lịch đề nghị, cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn là thuê công ty, đại lý truyền thông làm công tác nghiên cứu, điều tra thị trường. Tổng cục Du lịch là cơ quan xúc tiến cấp quốc gia có trách nhiệm quảng bá cho quốc gia; địa phương quảng bá cho địa phương nên các kế hoạch này cần song hành và mỗi địa phương là điểm nhỏ trong chiến lược quốc gia.


Chăm sóc khách là phương án marketing hữu hiệu

“Chăm sóc khách hàng là phương án tạo sức hút nhất với khách du lịch bởi 80% khách đến Việt Nam theo lời giới thiệu của bạn bè. Tiếp đó mới đến xúc tiến, quảng bá, duy trì các mối quan hệ với khách hàng cũ”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ.


Ở Việt Nam cũng chưa quan tâm lắm đến chăm sóc những khách hàng này. Để làm được đòi đòi hỏi một giải pháp marketing đồng bộ, nay chúng ta quảng bá không tập trung giá trị cốt lõi mà chung chung, quá rộng và dàn trải.


Việc khách nước ngoài không quay trở lại Việt Nam, con số 70% hay 80% mà một số nghiên cứu chỉ ra mới đây không chắc chắn lắm bởi chưa có công nghệ nào thống kê việc này. Nhưng rõ ràng, tỷ lệ khách không trở lại Việt Nam là cao.


Để giảm thiểu tình trạng này, ông Nguyễn Hữu Thọ góp ý, phía doanh nghiệp du lịch nên chọn 1-2 thị trường chính để làm và làm cho đến nơi đến chốn đã thành công rồi, không nên bắt chước tranh giành thị trường của nhau. Các địa phương cũng cần có chiến lược thu hút khách riêng, ví dụ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nên tập trung nguồn khách MICE, hay doanh nhân, mua sắm...


Một trong những vấn đề đặt ra nữa là vai trò đầu tàu của Tổng cục Du lịch. Ông Ngô Minh Đức đánh giá, kể cả khi có tiền, có kế hoạch đấy nhưng làm chưa tới tầm.


“Một trong những khúc mắc lớn nhất là kinh phí quảng bá xúc tiến du lịch của Việt Nam vẫn ở cảnh con nhà khó, quanh mức 2 triệu USD. Nguồn tiền ít cộng với việc phụ thuộc từ kế hoạch tới nguồn tài chính khiến doanh nghiệp cũng bị động”, ông Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch, ĐH Mở Hà Nội khẳng định.


Một trong những kỳ vọng lớn của các nhà làm du lịch là Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sớm được vận hành. Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chỉ ra bất cập: Bên cạnh sự phụ thuộc kế hoạch mang tính hành chính, chi phí sau khi được duyệt có khi chỉ chưa bằng một nửa kinh phí cần có. Tổng cục đang nghiên cứu phát triển Quỹ xúc tiến quốc gia dựa trên vận dụng Luật Du lịch mới có hiệu lực để có thể huy động nguồn kinh phí lớn hơn cho xúc tiến du lịch.


Tuy nhiên, theo đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh, nếu cộng với số các doanh, các địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh,... bỏ ra khi tự xúc tiến nữa thì không phải quá ít. Do đó rất cần đầu tàu trong xúc tiến của Tổng cục Du lịch để huy động nguồn xã hội hóa và các địa phương trong xúc tiến quảng bá du lịch một cách hiệu quả hơn.

XC/Báo Tin tức
Các doanh nghiệp du lịch tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại dịp lễ 2/9
Các doanh nghiệp du lịch tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại dịp lễ 2/9

Chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ dịp 2/9, một loạt doanh nghiệp lữ hành lớn đang tung ra một loạt chương trình sản phẩm mới kết hợp với khuyến mại. Theo quy luật, du lịch dịp 2/9 khép lại mùa du lịch hè và bước vào mùa thu với những sản phẩm mang tính đặc thù và dành cho đối tượng theo nhóm gia đình, bạn bè.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN