Du lịch từ thiện – hành trình gian nan nhưng đầy cảm xúc

Du lịch không chỉ đem đến cho người đi niềm vui, những giờ phút thư giãn. Những chuyến đi còn giúp mang lại kiến thức, trải nghiệm về văn hóa, địa danh du lịch. Đặc biệt có một hành trình, người đi còn có thể mang lại niềm vui, sự sẻ chia cho nhiều người khác, đó là du lịch từ thiện. Song chương trình ý nghĩa này lại là hành trình khó tổ chức và kén người đi…


Những chuyến đi đong đầy cảm xúc

Nằm lọt giữa bốn bề núi rừng, lưng áp bên dãy núi cao, giữa khoảng sân trường rộng lớn, một nhóm trong đoàn từ thiện đang tập trung chia bánh, sữa, kẹo vào từng túi riêng để một lát nữa sẽ phát cho các em nhỏ, đảm bảo em nào cũng nhận được phần quà bằng nhau. Nhóm nam và các bạn trẻ thì nhanh chóng chuyền tay từng thùng thực phẩm, quần áo ấm, chăn bông… tập kết vào sân trường.

Chuẩn bị quà tặng

Trong lúc này, các em nhỏ mải cười nắc nẻ với các trò chơi nhanh tay nhanh mắt, nhảy theo nhịp điệu của các chú gà con...

Không thể ngưng cười

Chị Nguyễn Thị Kiều Trang (tp. Hồ Chí Minh) vừa nheo nheo mắt nhìn lũ trẻ chơi vui vừa mỉm cười chia sẻ, đây là lần thứ 3 chị đi chương trình du lịch từ thiện, lần nào cũng thấy rất vui và ấm lòng. Tính chất công việc của chị luôn luôn bận rộn, hiếm cả thời gian dành cho bản thân song năm nào chị cũng cố gắng sắp xếp thời gian tham gia 1 chuyến từ thiện để sẻ chia, để sống chậm lại và để cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống chân thực hơn.

Không chỉ riêng chị, đoàn từ thiện gồm rất nhiều lứa tuổi, đến từ nhiều nơi trên mọi miền đất nước, song hầu hết đều có chung một ý niệm như vậy. Là các cô chú cao niên đi cùng hội hưu trí, hội Phật tử hay các bác các chú Việt kiều vừa về thăm quê hương đất nước vừa kết hợp làm thiện nguyện. Các bé bậc mầm non, tiểu học được bố mẹ cho đi cùng để học cách sống nhân ái, bao dung. Các nhóm bạn trẻ dù là lần đầu đặt chân đến vùng Tây Bắc song vô cùng nhiệt thành, hào hứng hỗ trợ đoàn từ bê vác quà tặng cho đến trang trí sân khấu chương trình.

Trao quà tặng cho các em học sinh

Cầm máy ảnh trên tay, chú Nguyễn Văn Hát (Hà Nội) bảo đặc biệt thích chụp hình các em bé vùng cao vì vẻ ngây thơ, trong sáng như tờ giấy trắng của các em. Chú kể có năm đi từ thiện 2 - 3 chuyến vì đi nhiều thành mê. Mê ánh mắt hồn nhiên, trong vắt của các em nhỏ khi được hỏi chuyện, mê tiếng cười giòn của các em khi chơi trò chơi, mê không khí ấm áp, thân tình của đoàn từ thiện, bởi ai đi những chương trình này bản chất đều rất thiện tâm, dễ gần. Có nhiều nhóm trở nên thân thiết với nhau tới mức sau khi đi về vẫn thường xuyên gọi nhau hội họp, giao lưu, hẹn nhau tiếp tục đồng hành những chương trình tiếp sau.

“Mình đi về, kể với người này điểm trường vùng cao vẫn còn khó khăn lắm, kể với người kia núi đồi Tây Bắc mùa lúa chín, mùa hoa tam giác mạch đẹp lắm, kỳ vĩ lắm. Vậy là có người nhờ tôi mang quà ủng hộ cho trường, có người quyết tâm sắp xếp thời gian đi để được tận mắt ngắm cảnh đẹp chứ không chỉ qua lời tôi kể. Theo tôi, đó là những điều mà tôi và những người tham gia các chương trình du lịch từ thiện đã đóng góp thiết thực cho việc phát triển du lịch vùng cao này”, chú Hát tâm sự.

Đó phải chăng là lý do các chương trình du lịch từ thiện dù không hề dễ dàng với cả người tổ chức và người đi, song vẫn đều đặn được triển khai với hàng trăm, hàng ngàn trái tim ấm nóng mỗi năm.

Đối với người dân, phát triển du lịch đồng nghĩa với việc có thêm công ăn việc làm, có nguồn thu nhập thoát nghèo, các em nhỏ phần nào được quan tâm hơn trong việc ăn uống, học hành. Đối với người đi, chuyến trải nghiệm tại miền cao sẽ giúp họ hiểu hơn cuộc sống khó khăn của đồng bào dân tộc, từ đó có hành động chia sẻ thiết thực với cộng đồng, tạo hiệu ứng lan tỏa ra xã hội.

Hành trình không dễ thực hiện 

Hành trình thông thường của một chương trình du lịch từ thiện sẽ là trao quà tặng, tổ chức các hoạt động vừa học vừa chơi lý thú tại một điểm trường khó khăn và kết hợp khám phá, thưởng ngoạn vẻ đẹp phong cảnh thiên nhiên vùng miền, tìm hiểu văn hóa địa phương. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất với một chương trình từ thiện, đó là tìm được điểm trường tổ chức phù hợp. 

Thông thường, ban tổ chức sẽ phải đi khảo sát tiền trạm để tìm ra điểm trường có đủ tiêu chí: trường còn khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức ăn ở bán trú cho học sinh; có thể đảm bảo được phương thức di chuyển an toàn cho người và quà tặng tới điểm trường; được cơ quan chức năng như ban lãnh đạo nhà trường, UBND huyện, xã cho phép tổ chức chương trình.

Phương thức tổ chức chương trình từ thiện cũng thường được chia theo đối tượng tham gia. Các nhóm nhỏ, nhóm bạn trẻ thường tự tổ chức chương trình với tính chất thành phần đoàn, quà gọn nhẹ. Hình thức này phù hợp với những người trẻ tuổi, có sức khỏe tốt, sẵn sàng đi xe máy, đi bộ nhiều cây số mang vác quà vào tận điểm trường lẻ. Các nhóm hội như hưu trí, cựu chiến binh, phật tử, nhóm gia đình… có tấm lòng thiện nguyện sẽ thường lựa chọn các chương trình tổ chức thông qua công ty lữ hành, để được đảm bảo lịch trình phù hợp với điều kiện thể lực, điểm trường do các xã, huyện giới thiệu nên chắc chắn là các điểm trường trong diện cần hỗ trợ, được thu xếp chỗ ăn, ngủ hợp lý, có xe vận chuyển quà tặng tới điểm trường.

Do tính chất đặc thù nên các chương trình du lịch từ thiện được tập trung triển khai tại một số vùng khó khăn trên đất nước ta, như vùng Đông Tây Bắc, Tây Nguyên…Tổ chức tại các tỉnh, huyện còn nhiều khó khăn nên đường sá đi lại, cơ sở hạ tầng tại đây còn rất nhiều hạn chế. Rất ít điểm trường nằm tại khu vực đường quốc lộ hay tuyến đường chính, mà thường nằm ở các vùng sâu vùng xa, chỉ những bác tài lái xe cự phách mới dám luồn lách trên cung đường vào 2 xe ngược chiều chỉ cách nhau gần 10cm.

Con đường đất vào trường Kim Bon

Trời nắng, đường khô ráo được coi là thuận lợi, chứ gặp đúng ngày trời mưa, nhiều tuyến đường đất trơn trượt, quanh co rất khó di chuyển. Việc tổ chức chương trình giao lưu, trao quà tặng cũng phải nằm trong thời gian tính toán cho phép, tránh việc khi kết thúc chương trình trời đã xẩm tối, việc di chuyển ngược lại chỗ nghỉ sẽ có nhiều nguy hiểm.

Còn một khó khăn nữa mà theo ông Phạm Văn Bảy - Đại diện Vietravel Hà Nội, một đơn vị có nhiều năm tổ chức các chương trình du lịch từ thiện, đó là hầu hết các điểm trường chính tại vùng Đông –Tây Bắc đều đã được nhà nước hỗ trợ xây mới theo đề án xây dựng trường học kiên cố của chính phủ, do đó một số du khách không nắm rõ thông tin mà chỉ đánh giá theo bề ngoài sẽ không cảm nhận được mức độ khó khăn của nhà trường hay học sinh. Thực tế, kinh phí hỗ trợ ăn, ở bán trú cho các em học sinh chỉ mới đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của các em. Và các học sinh được ăn, ở bán trú phải là những em nhà rất xa, không có điều kiện đi về trong ngày.

Trăn trở với mong muốn mang đến cho các em nhỏ một chút hơi ấm xua tan cái giá lạnh vùng cao, vào mùa thu đông hàng năm, Vietravel Hà Nội lại đều đặn thực hiện các chương trình du lịch kết hợp từ thiện mang tên “Áo ấm cho em”. 

Năm 2018 này, chương trình tiếp tục được triển khai qua 4 cung đường Đông – Tây Bắc gồm: Mù Cang Chải – Sapa– Điểm trường Hang Đá khởi hành ngày 20 – 23/9 (dịp Trung thu); Hà Giang– Điểm trường PT Dân tộc bán trú Thái An khởi hành 25 – 28/10; Điện Biên – Trường PTDTBT số 2 xã Na Tông - Sơn La khởi hành 22 – 25/11 và Thái Nguyên – Cao Bằng khởi hành 10/1/2019. 

Chi phí mỗi tour dao động từ 2,99 – 3,39 triệu/ người, trong đó các chương trình đều được Vietravel hỗ trợ 100% chi phí đi lại và vận chuyển quà tặng. Bên cạnh đó, với mỗi tour đăng ký là du khách đã ủng hộ 500.000đ vào quỹ quà tặng cho các em nhỏ học sinh khó khăn.



Vietravel tung chương trình ‘săn tour giờ vàng’
Vietravel tung chương trình ‘săn tour giờ vàng’

Nhân dịp kỷ niệm 22 năm thành lập công ty, Vietravel tung ra chương trình “22 ngày vàng” diễn ra từ 28/11 - 20/12/2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN