Những năm 1980, khi rừng nguyên sinh của tỉnh Vĩnh Phúc còn phong phú động thực vật, Vĩnh Sơn bảo tồn nhiều loài rắn hoang dã, người dân địa phương thường vào rừng săn bắt, mang về chế biến thịt hoặc bán kiếm sống… Khi các loài rắn tự nhiên bị suy giảm số lượng, nhiều nông dân đã nghĩ đến việc nuôi rắn tại nhà. Từ đó, làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn hình thành và đã trở thành làng nuôi rắn nổi tiếng miền Bắc cũng như cả nước.
Ông Phạm Văn Hùng, 58 tuổi, là một trong những người gắn bó lâu năm nhất với nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn. Gia đình ông hiện nuôi khoảng 300 con rắn hổ mang bành, cung cấp rắn thương phẩm và rắn sinh sản. “Rắn không phải cho ăn nhiều, chỉ cần 4 - 5 ngày/lần. Chuồng nuôi cũng đơn giản, không tốn nhiều diện tích là những hầm nhỏ, ghép gạch, che lưới sắt và khóa chốt cẩn thận. Thức ăn của rắn chủ yếu là gà, vịt, chim con hoặc cóc nuôi, dễ kiếm. Mùa đông là lúc người nuôi dừng cho rắn ăn, để rắn ngủ đông, tiết kiệm chi phí thức ăn và công chăm sóc…”, ông Phạm Văn Hùng chia sẻ.
Tất nhiên, việc nuôi và chăm sóc rắn cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Chị Nguyễn Thị Thu, người 25 năm nuôi rắn chia sẻ, chị đã mất hai đốt ngón tay vì bị rắn cắn. Để bảo đảm an toàn, người nuôi rắn luôn phải trang bị bên mình sẵn dây chun để garô vết thương trong quá trình chăm nuôi, không may bị rắn cắn có thể xử lý ngay vết thương trước khi đến trạm y tế điều trị…
Theo kinh nghiệm của ông Phạm Văn Hùng, mùa hè là thời điểm phối giống của loài rắn. Một con rắn cái thường đẻ từ 20 - 25 trứng/ổ, thậm chí có con đạt tới 40 - 50 trứng. Trứng được ủ trong cát, giữ nhiệt độ ổn định để rắn con nở sau 60 ngày…
Giá rắn thương phẩm ở làng Vĩnh Sơn thường dao động từ 500.000 - 700.000 đồng/kg, trứng rắn từ 50.000 - 70.000 đồng/quả. Tuy nhiên, nghề nuôi rắn không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trong đợt dịch COVID-19, hoạt động giao thương đình trệ, nhiều hộ dân gặp không ít khó khăn.
Theo thống kê của UBND xã Vĩnh Sơn, xã hiện có khảng 1.000 hộ nuôi rắn các loại, chiếm gần 60% số hộ. Sản phẩm chính của làng nghề rắn Vĩnh Sơn là rắn hổ mang thương phẩm và rắn hổ mang sinh sản. Khoảng 90% số lượng rắn nuôi bán ra thị trường và xuất khẩu, mang về doanh thu khoảng 400 tỷ đồng. Các sản phẩm từ rắn gồm: Thịt, mật, cao rắn, da rắn, nọc rắn phục vụ cho y học và thời trang. Đặc biệt, các sản phẩm như dây lưng, ví da… từ da rắn ngày càng được thị trường ưa chuộng.
Những năm gần đây, địa phương và các cơ quan chức năng đã vào cuộc hỗ trợ người dân trong việc mở rộng thị trường và đảm bảo an toàn lao động, an toàn vùng nuôi tránh dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Ông Hạ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn chia sẻ: “Làng rắn Vĩnh Sơn hiện nay ngoài nuôi rắn thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, còn phát triển mô hình du lịch trải nghiệm. Du khách có thể tham quan các trang tại nuôi rắn, tìm hiểu về quy trình chăm sóc và thưởng thức những món ăn chế biến từ rắn. Đây không chỉ là hướng đi mới trong phát triển kinh tế, mà còn là cơ hội để bảo tồn và quảng bá làng nghề truyền thống Vĩnh Sơn”.
Nhờ phát triển kinh tế và du lịch, nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn vẫn giữ được truyền thống, hòa mình với những bước chuyển hiện đại. Vĩnh Sơn tận dụng lợi thế làng nghề lâu đời và đang được UBND tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư trọng điểm phát triển du lịch làng nghề, giúp người dân tăng thu nhập và nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, nhiều loài rắn quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ngoài môi trường tự nhiên, người dân địa phương cũng sưu tầm mang về nuôi dưỡng, từng bước bảo tồn và nhân giống thành công tại vùng nuôi rắn, nhằm góp phần gìn giữ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Với người dân Vĩnh Sơn, nuôi rắn không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là nghề truyền thống bao đời nay. Những bài thuốc nam gia truyền được lưu giữ qua các thế hệ như một phần di sản quý báu của làng nghề rắn Vĩnh Sơn. Ông Hạ Văn Hùng bày tỏ: “Làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn mong muốn các thế hệ sau tiếp tục gắn bó với nghề, để làng rắn mãi là niềm tự hào của người dân bản địa”.