Vi phạm lấn chiếm vỉa hè tại hầu hết các tuyến phố của Hà Nội đang diễn ra tràn lan, 24/24 giờ trong ngày. Baotintuc.vn ghi lại một số hình ảnh thực tế.
Trước cửa quán cà phê trên phố Phan Chu Trinh xe của khách đỗ kín lòng đường |
Vỉa hè trước cổng Trụ sở Công an Phường Hàng Đào bị xe khách của quán cà phê số 2 Phố Hàng Cá tận dụng để xe hết |
Vỉa hè trước cổng Trưởng tiểu học Hồng Hà trên Phố Lãn Ông |
Vỉa hè trên phố Hàng Buồm được tận dụng để quán cà phê kinh doanh và đỗ xe |
Các hộ kinh doanh trên Phố Hàng Đào lấn chiếm vỉa hè để "đóng" hàng |
Không còn chỗ đi trên vỉa hè, người đi bộ đi xuống lòng đường |
Công an Phường Hàng Đào thường xuyên đi tuần tra, nhắc nhờ, nhưng nhiều hộ vẫn lẫn chiếm vỉa hè |
Điều 12, Nghị định 46/2016 quy định: Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng với tổ chức bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng. Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng với tổ chức sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị, rửa xe... |
Theo đề xuất này, TP Hà Nội cho phép ghi hình bằng các camera cầm tay. Lực lượng ghi hình và xử phạt gồm các lực lượng công an các cấp quận, phường, cảnh sát trật tự... Các hành vi lấn chiếm vỉa hè như: Bày bàn ghế, vật dụng bán hàng ăn uống, quán nhậu, cửa hàng giải khát, kinh doanh vật liệu xây dựng, trông giữ xe, đỗ xe trái phép... trên vỉa hè đều bị xử phạt.
"Phạt nguội như vậy mới có thể xử lý triệt để vi phạm và đủ sức răn đe; đồng thời giảm bớt sự vất vả, tiết kiệm thời gian cho lực lượng chức năng. Lâu nay, mặc dù lực lượng chức năng ra quân gắt gao hoặc tuần tra, xử lý hàng ngày, nhưng chỉ cần vắng bóng hoặc vừa đi qua, tình trạng tái vi phạm trật tự vỉa hè lại xảy ra ngay lập tức", Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay.
Được hỏi về vấn đề này, Đại úy Nguyễn Văn Tùng, cảnh sát khu vực phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm cho biết, thực tế trên diễn ra phức tạp tại khắp các tuyến phố nội đô. Hiện nay, việc phạt nguội chỉ mới áp dụng ở lĩnh vực vi phạm trật tự an toàn giao thông, thông qua các camera cố định gắn ở các nút giao thông; lực lượng xử phạt cũng chỉ mới có cảnh sát giao thông. Vì vậy, vi phạm lấn chiếm vỉa hè lòng đường cũng cần phải phạt nguội để người vi phạm ý thức, tự giác hơn. Tuy nhiên, cấp phường hiện chưa nhận được chỉ đạo về vấn đề này.
Bác Nguyễn Đức Phú ở Phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm đón cháu sau giờ tan học ở trường Hồng Hà trên Phố Lãn Ông chia sẻ: “Trước đây, quận và phường ra quân rầm rộ, tình trạng vi phạm có giảm. Nhưng sau một thời gian lại đâu vào đấy, vỉa hè lại bị chiếm dụng làm của riêng. Ngày nào tôi cũng đi qua tuyến phố này để đón cháu, nhưng cũng đều phải đi xuống lòng đường, vì các chủ cửa hàng kinh doanh tại đây đều lẫn chiếm vỉa hè để đỗ xe hoặc bày bán hàng, không còn chỗ cho người đi bộ…”, bác Phú bức xúc.
Liệu “phạt nguội” vi phạm này có hiệu quả? Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo 197 thành phố, thời gian qua, thành phố vẫn yêu cầu các quận, huyện thường xuyên kiểm tra xử lý vi phạm vỉa hè. Những hành vi vi phạm đều đã có mức phạt cụ thể, các quận, phường phải xử lý quyết liệt, người đi bộ mới có vỉa hè để đi, tuy nhiên vẫn chưa xử lý được triệt để. Đề xuất lắp đặt camera để xử phạt nguội các vi phạm vỉa hè của Sở GTVT là biện pháp sẽ mang lại hiệu quả cao. Tới đây, nếu các phường, quận đề xuất, Ban Chỉ đạo sẽ họp và đề xuất với Chủ tịch UBND TP để xem xét, triển khai.