HĐND Hà Nội: 'Nóng' vấn đề trật tự xây dựng, lấn chiếm vỉa hè

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân(HĐND) Hà Nội ngày 6/12, thật sự 'nóng' với những vấn đề về trật tự xây dựng, lấn chiếm vỉa hè.

Quang cảnh kỳ họp.

“Nắm được các vi phạm, nhưng  có xử lý?”


Trong lĩnh vực quản lý đô thị,  các đại biểu HĐND Hà Nội yêu cầu lãnh đạo Sở Xây dựng và các quận, huyện phải giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp, khi nào các công trình vi phạm được xử lý xong...


Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục khẳng định: Về những vụ vi phạm tồn đọng trước 31/12/2016, Sở đã tích cực giải quyết, hiện còn 114 trường hợp vi phạm. Còn từ đầu tháng 1/ 2017 đến 20/10/2017, có 154 trường hợp vi phạm đã được Sở Xây dựng phúc tra. 


Vấn đề vi phạm trật tự xây dựng diễn ra rất nghiêm trọng, gây bức xúc kéo dài, khó giải quyết triệt để, do đó, sau kỳ họp HĐND thành phố tháng 7/2017, Sở Xây dựng đã tổ chức các đoàn kiểm tra tới 30 quận, huyện, thị xã. Tính đến 31/11, đã có 17.422 công trình đã được kiểm tra và trong đó có 1.916 trường hợp vi phạm. Sở đã giải quyết được 70% và vẫn còn 345 công trình vi phạm. Con số này vẫn còn cao và phát sinh mới năm 2017 còn 122/1.916 trường hợp vi phạm trên đất không được phép xây dựng và trên đất công, đất nông nghiệp.


Đối với 123 trường hợp tồn đọng từ năm 2016 và vi phạm trong năm 2017, các sở: Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư đang tiếp tục giải quyết và dự kiến xong trong năm nay.


Về nhà siêu mỏng, siêu méo, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do khi mở đường cắt vào nhà dân, đặc biệt là ở thời điểm Hà Nội mở đường để tổ chức SEA Games 23. Những nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện nhiều ở trục đường Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Văn Cao, Thanh Nhàn…


 Theo quy định, những nhà đủ điều kiện là chiều sâu không nhỏ hơn 3m, hình dạng không quá méo mó, phản cảm. Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành liên quan đã phân chia 132 nhà siêu mỏng, siêu méo thành 3 nhóm để có giải pháp xử lý. Trong đó có 56 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn đọng từ năm 2014 – 2016 xuất hiện ở khu vực vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5… Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay đã hết thời gian gia hạn nên sắp tới sẽ có phương án kiên quyết thu hồi và không để phát sinh thêm. Những trường hợp này sẽ được tiến hành xử lý từ quý I/2018.



Là địa phương xảy ra nhiều vụ vi phạm xây dựng, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút cho biết, trên địa bàn huyện còn một số công trình vi phạm chưa được xử lý kịp thời. Số công trình này tập trung chủ yếu tại xã Phù Lỗ và Phú Minh. Xã Phù Lỗ có 2 doanh nghiệp đã được UBND thành phố cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, có công trình vi phạm là nhà kho, hiện đã được xử lý xong. Phần nhà xưởng, huyện sẽ hoàn tất xử lý trong quý I/2018, nếu các doanh nghiệp không tự khắc phục. Tại địa bàn xã Phú Minh, ngoài vi phạm tại doanh nghiệp Phú Khánh với phần nhà kho rộng khoảng 900m2 đã được xử lý, hiện còn khoảng 16 công trình, trong đó có 9 xưởng và một số hàng quán. Huyện đã phân loại và có kế hoạch xử lý từ nay đến tháng 2-2018.



Theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, những vi phạm này là do sau khi lấy đất theo dự án, tại các xã có nhiều khu đất xen kẹt, nhân dân không sản xuất được, muốn chuyển đổi thì không đúng quy hoạch, trong khi nhu cầu dịch vụ rất lớn. Huyện đã báo cáo thành phố và thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn để xử lý phần đất xen kẹt, tránh gây lãng phí như hiện nay. "Nhiều vi phạm có nguyên nhân khách quan nhưng huyện đã xác định nguyên nhân chủ quan là do chính quyền xã Phú Minh đã có thời gian thiếu đoàn kết, quản lý lỏng lẻo. Huyện đã xử lý cán bộ, thay một bí thư, thành lập tổ công tác về xã Phú Minh để phối hợp cùng xử lý các vi phạm. Đây là lĩnh vực khó, phức tạp, huyện sẽ quyết tâm và quyết liệt để xử lý những vấn đề còn tồn tại" - ông Vương Văn Bút khẳng định.


Tranh luận với phần trả lời của cơ quan chức năng, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban pháp chế HĐND Hà Nội cho rằng: Có hàng nghìn vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn và con số không ít như Sở Xây dựng báo cáo. Đơn cử như phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm) đã có hơn 140 vụ vi phạm. Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Đỗ Mạnh Tuấn cho biết: Trên địa bàn quận có 149 trường hợp xây ki-ốt và cho thuê trái thẩm quyền từ năm 1993 hiện đang nằm trong diện GPMB thuộc đường đường vành đai 3 và đường Phạm Văn Đồng. Tiến độ thực hiện GPMB còn chậm do việc kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất có khó khăn, gây vướng mắc nên quận đã báo cáo UBND thành phố để có cơ chế, chính sách giải quyết.


Về vấn đề này, theo Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, đây là trách nhiệm của quận, phải tập trung xử lý, không đùn đẩy lên cấp thành phố.


Tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhiều điểm trông giữ xe trái phép


Liên quan đến chất vấn của các đại biểu HĐND về tình trạng lấn chiếm vỉa hè sau thời gian ra quân, Giám đốc Công an thành phố Đoàn Duy Khương cho biết, trong gần 9 tháng triển khai Kế hoạch 01 của Ban Chỉ đạo 197, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đô thị, lòng đường, hè phố có chuyển biến tích cực, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đặt ra của kế hoạch và kỳ vọng của người dân Thủ đô cũng như cả nước.


Qua thống kê, trên toàn thành phố có 1.200 điểm trông giữ phương tiện giao thông; trong đó dưới lòng đường là 349 điểm, trên hè phố 264 điểm, ở khu vực khác (đất trống) là 587 điểm. Qua kiểm tra xử lý đã giảm 211 điểm, tháo dỡ trên 16.000 lều quán vi phạm lòng đường, vỉa hè; phối hợp giải tỏa 195 chợ, sắp xếp lại 93 chợ, tổ chức phối hợp kẻ vẽ vạch sơn 739 tuyến phố.



Nguyên nhân của những vi phạm trên có nhiều, trong đó về khách quan là do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông, tình trạng người dân ở địa phương khác về Hà Nội bán hàng rong chưa được giải quyết triệt để, lực lượng chức năng phụ trách nhiệm vụ này còn mỏng.



Về chủ quan, một số địa phương thời gian đầu triển khai tích cực nhưng không duy trì thường xuyên, có dấu hiệu trùng xuống; công tác kiểm tra đôn đốc của BCĐ 197 ở một số quận, huyện chưa thường xuyên, một số còn ỷ lại, khoán trắng cho lực lượng chức năng.



Theo Giám đốc Công an thành phố, thời gian tới, thành phố sẽ tổng kết 1 năm thực hiện Kế hoạch 01 và sau đó sẽ làm sâu sắc hơn, có giải pháp tích cực để năm 2018 và những năm tiếp theo, đô thị Thủ đô được chỉnh trang sạch đẹp.


Về phía địa phương, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, quận Đống Đa đã ban hành nhiều Kế hoạch triển khai trên địa bàn, lực lượng chức năng của quận đã xử lý nhiều điểm, bãi trông giữ trái phép, trong đó giải tỏa trên 40 điểm, cẩu đến các bãi xe tạm trên 300 lượt xe các loại… Tình hình vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn phát sinh một số trường hợp tái vi phạm vỉa hè, lòng đường. Để giải quyết vấn đề này, quận Đống Đa thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp, thành lập 10 tổ công tác kiểm tra tình hình thực tế trên địa bàn.


Tuy nhiên, các đại biểu HĐND Hà Nội cho rằng, việc còn nhiều điểm trông giữ xe trái phép như hiện nay do Hà Nội chưa thực hiện theo đúng quy hoạch bãi đỗ xe tĩnh, trách nhiệm này thuộc về Sở GTVT. Do đó, Sở Giao thông Vận tải phải tham mưu UBND thành phố trong việc triển khai, đôn đốc việc thực hiện các dự án đầu tư cho bến, bãi đỗ xe để hoàn thành đúng tiến độ; công tác cấp phép cho các đơn vị trông giữ phương tiện hiện nay để bảo đảm công khai, minh bạch. Đại biểuVũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) cũng chất vấn về việc thực hiện đầu tư bến bãi đỗ xe còn chậm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh thấp, việc kêu gọi đầu tư, xã hội hoá của thành phố thời gian qua trong lĩnh vực này chưa hiệu quả.


Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Vũ Văn Viện cho biết, theo phân cấp, quản lý vỉa hè thuộc quận, huyện, quản lý lòng đường thuộc Sở GTVT. “Đúng là vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện giao thông. Tuy nhiên, hiện nay cho phép ở đô thị có thể tận dụng một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông khi chưa có điểm giao thông tĩnh tập trung. Chúng ta cấp phép theo đúng quy định nhưng trong quá trình sử dụng, chủ bãi thường xuyên lấn chiếm diện tích, lấn chiếm vỉa hè cho người đi bộ, gây cản trở giao thông”, Giám đốc Sở GTVT thừa nhận.



Về việc giá trông giữ xe thường thu cao hơn quy định, ông Vũ Văn Viện cho biết, thành phố đã cho thực hiện thí điểm đỗ xe IParking trên 2 tuyến phố và có kết quả tốt, doanh thu tại các điểm này tăng lên 33%. Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo trong quý 1/2018 sẽ triển khai IParking tại 4 quận. Việc triển khai này sẽ khắc phục được các tồn tại như: Lấn chiếm diện tích điểm trông giữ xe, quản lý doanh thu chặt chẽ hơn vì không thu bằng tiền mặt... Đồng thời, UBND thành phố đã giao Sở tổng kiểm tra rà soát các dự án đang triển khai xây dựng bãi xe.



Liên quan đến tiến độ quy hoạch giao thông tĩnh, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Hà Nội đang triển khai quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó tỷ lệ đất giao thông tĩnh/đất xây dựng đô thị phải đạt 3-4% (hiện chỉ là 0,6%). Sau khi quy hoạch được thực hiện, tổng diện tích là khoảng 2.072 ha, đạt 3,27%. Quy hoạch đã được Hội đồng thẩm định của thành phố thẩm định xong, đang rà soát lại yêu cầu bổ sung 37 nội dung để hoàn chỉnh và trình UBND thành phố duyệt trong tháng 12 này.


Còn Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, công tác quy hoạch hệ thống bến bãi đỗ xe được phê duyệt từ năm 2013 đã không còn phù hợp với thực tiễn. Trước đây, phương tiện giao thông cá nhân chưa tạo nhiều áp lực cho thành phố, nhưng nay, áp lực đối với bến bãi đỗ xe đã tăng lên rất nhiều mà thành phố chưa bố trí được quỹ đất ưu tiên cho lĩnh vực này.


Thành phố đã kêu gọi được 89 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, trong đó có 22 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, 54 dự án đang triển khai và 13 dự án đã được UBND thành phố chấp thuận về mặt chủ trương. Giám đốc Sở KHĐT thừa nhận, tiến độ triển khai quy hoạch bến, bãi đỗ xe còn chậm, qua thanh tra, rà soát có 8 dự án vi phạm hành chính và bị xử phạt hơn 132 triệu đồng. Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đôn đốc, kiểm tra, giám sát và có những kế hoạch phù hợp để thu hút đầu tư.


XC/Báo Tin tức
Khai mạc Kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV
Khai mạc Kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV

Sáng 4/12, Kỳ họp thứ 5, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã khai mạc. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng đại diện các cơ quan Trung ương, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã dự phiên khai mạc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN