Tăng phí lòng đường, vỉa hè là giải pháp hạn chế xe cá nhân

Xung quanh dư luận gần đây về dự kiến mức phí thuê vỉa hè, lòng đường làm bãi trông giữ xe khu vực nội thành Hà Nội sẽ tăng tăng nhiều lần từ năm 2018, đại diện Hội đồng nhân dân (HĐND) và Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho rằng việc tăng này là giải pháp kinh tế để hạn chế xe cá nhân.


Đỗ xe trên phố Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Liên quan đến tờ trình của UBND Hà Nội đề xuất tăng mức phí thuê lòng đường vỉa hè tại các quận nội đô thời gian tới, bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND Hà Nội khẳng định: Việc tăng này nhằm đồng bộ các mức giá trên toàn bộ địa bàn và là giải pháp kinh tế để giảm ùn tắc giông thông bằng việc hạn chế xe cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường tại các quận nội thành Hà Nội.


Xung quanh các ý kiến cho rằng việc tăng phí lần này ngay sau các đợt ra quân dẹp lấn chiếm vỉa hè đầu năm nay, bà Phạm Thị Thanh Mai cho biết: Không có cấp phép mới các bãi trông xe tại lòng đường, vỉa hè khu vực nội thành. Vấn đề căn cơ hơn là ngành giao thông vận tải tập trung thực hiện quy hoạch giao thông tĩnh. Theo đồ án quy hoạch GTVT Hà Nội đến năm 2030, quy hoạch bãi đỗ xe theo định hướng trong khu vực từ vành đai 3 trở vào khu trung tâm có tổng số 416 bãi đỗ xe, với tổng diện tích đỗ xe dự kiến khoảng 346 ha. Đến nay đã có 88 dự án bến, bãi đỗ xe được duyệt nhưng số dự án triển khai hoàn thành là 20/88 dự án và 16/88 đang triển khai thi công (còn lại 52 dự án chưa triển khai thực hiện đầu tư). Điều này cho thấy chưa thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.


Do đó, việc tăng phí các bãi đỗ xe tập trung tại 12 tuyến đường phố của khu vực lõi đô thị, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm với mức tăng từ 80.000 lên 240.000 đồng/m2/ tháng và tại các tuyến phố từ đường vành đai 3 trở vào. Còn lại các khu vực khác ở Hà Nội từ ngoài vành đai 3 thì mức phí vẫn giữ nguyên mức phí như cũ.


Trong khi đó, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện cũng khẳng định: Tăng mức phí thuê lòng đường, vỉa hè làm bãi trông giữ xe là biện pháp kinh tế nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung. Bên cạnh đó, giá dịch vụ trông giữ phương tiện được đề xuất điều chỉnh tiệm cận với giá thị trường nên cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến chi tiêu của người dân.


Theo ông Viện, trong Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội cũng đã đề cập đến giải pháp xây dựng giá trông giữ phương tiện theo khu vực và lũy tiến. Thực tế hiện nay cho thấy, do mức giá chưa kịp điều chỉnh nên tình trạng thu cao hơn giá quy định, không niêm yết giá, không có chứng từ thu… vẫn thường xuyên diễn ra. Qua kết quả khảo sát, đa số người dân đã phải chi trả mức giá cao hơn giá quy định do vi phạm về quản lý giá của các đơn vị trông giữ.


Trước tình hình đó, UBND TP Hà Nội đang xem xét phương án điều chỉnh giá trông giữ xe do liên ngành Tài chính, GTVT, Lao động Thương binh và Xã hội, Cục Thuế đề xuất. Việc kịp thời điều chỉnh mức phí sử dụng lòng đường, hè phố nhằm bảo đảm việc điều tiết nguồn thu vào ngân sách Nhà nước thông qua phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Dự kiến, nếu được HĐND TP thông qua ngay tại kỳ họp tới, UBND TP Hà Nội sẽ phê duyệt điều chỉnh giá dịch vụ trông giữ xe để chính thức áp dụng trên toàn địa bàn.


Theo Sở GTVT, giá trông giữ xe tại các vị trí lòng đường, hè phố cao hơn so với giá trông giữ xe tại các bãi đỗ xe theo quy hoạch, bãi đỗ xe tập trung để đáp ứng nhu cầu trông giữ xe, góp phần tăng lưu lượng xe có nhu cầu trông giữ xe tại các điểm này so với hiện nay, khuyến khích các bãi đỗ xe hiện đại và tập trung hạn chế việc sử dụng lòng đường, hè phố làm nơi trông giữ phương tiện.


Cụ thể: Sẽ tăng phí với tỷ lệ tăng 300% đối với các tuyến cần hạn chế, tăng 250% đối với các tuyến phố từ vành đai 1 đến đô thị lõi, tăng 130% đối với các tuyến phố từ vành đai 2 đến vành đai 1, tăng 130% đối với các tuyến phố từ vành đai 3 đến vành đai 2 và giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 đến khu vực ngoại thành và thị xã Sơn Tây. Như vậy, bình quân tăng 2 lần trên toàn địa bàn.


Sở GTVT Hà Nội đã khảo sát các vị trí có đủ điều kiện để cấp phép trông giữ phương tiện với khoảng 1.500 điểm. Các điểm này sẽ ứng dụng công nghệ iParking trong trông giữ phương tiện. Với mức tăng giá trông giữ xe tại các vị trí lòng đường, hè phố cao hơn mức giá trông giữ tại các bãi đỗ xe tập trung đã hạn chế việc sử dụng lòng đường để trông giữ phương tiện, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các bãi đỗ xe hiện đại, các điểm đỗ xe, bến, bãi trông giữ xe tập trung, tầng hầm trông giữ xe; tạo nguồn cung cho hệ thống giao thông tĩnh vốn đang hạn chế của thành phố, đặc biệt là các quận nội thành.

XC/Báo Tin tức
Tăng mức phí sử dụng vỉa hè, lòng đường nội đô Hà Nội đã hợp lý?
Tăng mức phí sử dụng vỉa hè, lòng đường nội đô Hà Nội đã hợp lý?

Thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến về đề xuất tăng mức phí sử dụng vỉa hè lòng đường. Theo đó, ở các tuyến phố khu vực trung tâm Hà Nội, mức phí này sẽ tăng lên gấp 3 lần so với hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN