Trước tình hình đó, chính quyền TP Hà Nội quyết liệt vào cuộc nhằm xử lý vi phạm, lấy lại sự thông thoáng cho vỉa hè, bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Nhiều tín hiệu tích cực
Lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè đang là chủ trương đúng đắn của chính quyền TP Hà Nội, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Sau lễ phát động ra quân, trật tự đô thị tạo nhiều chuyển biến trong ý thức người dân và các đơn vị kinh doanh.
Một trong những địa bàn tạo được nhiều chuyển biến nhất trong việc lập lại trật tự đô thị là khu vực phố cổ. Phường Hàng Mã thuộc 10 phường của khu phố cổ Hà Nội, có diện tích 0,15 km2. Địa bàn phường giáp ranh với các trung tâm văn hóa, thương mại lớn (Chợ Đồng Xuân, Chợ Long Biên, tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân) nên lượng người lưu thông qua lại thường xuyên đông. Vỉa hè nhiều tuyến trên địa bàn phường vốn chật hẹp, tập trung nhiều cửa hàng kinh doanh, dịch vụ. Nơi đây luôn xảy ra tình trạng các hộ kinh doanh chiếm dụng lòng đường, hè phố kéo theo tình trạng quá tải về hạ tầng đô thị, ùn tắc giao thông cục bộ…
Video phóng viên "theo chân" BCĐ 197 phường Hàng Mã ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị:
Ông Đào Quang Năm, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2023, địa phương đã quyết liệt huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, gắn trách nhiệm cán bộ quản lý theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ kết quả”. Kết quả bước đầu khả quan, đã tháo dỡ 75 băng rôn vi phạm, bóc xóa 850 tờ quảng cáo rao vặt vi phạm trên các tuyến phố, phá dỡ 82 bục bệ và 74 mái che, mái vẩy, xử lý vi phạm vệ sinh môi trường 12 trường hợp, 287 trường hợp bị xử lý vì vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử lý 246 trường hợp vi phạm trật tự đô thị; lập biên bản xử phạt 12 bãi xe vi phạm. Các hộ dân đã chỉnh trang được các mái che trên phố Hàng Mã gọn gàng, chỉnh trang phố Phùng Hưng theo dự án của quận.
Ngay trong đợt ra quân vào tối 23/2, Ban chỉ đạo 197 phường Hàng Mã đã kiên quyết xử lý nghiêm hàng loạt các sai phạm về trật tự đô thị tại các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Cót, Phùng Hưng, Gầm Cầu…. Đặc biệt là hành vi lấn chiếm vỉa hè; bên cạnh việc lập biên bản, lực lượng chức năng cũng yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không tái phạm.
Chị Nguyễn Thị Thủy (hộ kinh doanh ăn uống trên phó Hàng Cót) để nhiều bàn phục vụ khách trên vỉa hè và đã bị tổ công tác lập biên bản xử phạt. "Được sự tuyên truyền, nhắc nhở của lãnh đạo phường, Công an phường, chúng tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành, cam kết không tái phạm, không lấn chiểm lòng nề đường, bán hàng đúng nơi quy định để lại lối đi cho người đi bộ", chị Thủy bày tỏ.
Dự kiến, phường Hàng Mã sẽ xây dựng thí điểm phố Hàng Cót là tuyến phố văn minh, thương mại; giao trực tiếp cho các tổ dân phố và các đoàn thể phối hợp triển khai dự án này. Hệ thống phương tiện giao thông tại đây sẽ được sắp xếp, bố trí lại một cách khoa học, đặc biệt là việc đảm bảo không gian vỉa hè dành cho người đi bộ.
Sau đợt ra quân, theo khảo sát của phóng viên, nhiều tuyến phố ở Hàng Mã đã không còn cảnh lộn xộn, chật chội như trước đây. Người dân và du khách đã thoải mái đi lại trên vỉa hè mà không phải vất vả chen chân xuống lòng đường như trước. Nhiều biển hiệu quảng cáo, bậc tam cấp được tháo dỡ, tạo sự thông thoáng, sạch sẽ.
Người dân tự giác chấp hành
Vỉa hè được “trả lại” cho người đi bộ không chỉ nhờ lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt mà còn dựa vào ý thức tự giác, chấp hành của người dân. Đây được xem là nguyên nhân cốt lõi tạo sự bền vững trong chiến dịch này.
Ông Lê Minh Hưng (chủ nhà hộ kinh doanh thực phẩm trên phố Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, gia đình ông buôn bán tại đây hơn 40 năm, sử dụng tầng 1 để kinh doanh nên đã xây bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè. Ngay sau khi được phường thông báo, vận động, nhắc nhở, ông đã tự đập dỡ phần lấn chiếm, tổ chức lại không gian hợp lý hơn ở phần sân trước nhà. “Tuy việc phá dỡ và xây mới khá tốn kém, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh nhưng tôi và người dân sống tại đây nhận thấy đây là chủ trương đúng nên hoàn toàn ủng hộ. Cả khu phố ai cũng chấp hành thì mình cũng vui vẻ chấp hành thôi”, ông Hưng chia sẻ.
Nhờ việc xử lý nghiêm, tuyên truyền vận động nhắc nhở, nên các hộ kinh doanh quán ăn và đặc biệt là nhiều người bán hàng rong đã tự dọn sát đồ đạc vào bên trong, để xe máy đúng trong phạm vi kẻ vạch.
Video phóng viên ghi nhận đợt ra quân lập lại trật tự đô thị tại phường Hàng Gai:
Ông Nguyễn Mạnh Linh, Chủ tịch phường Hàng Gai cho biết, biện pháp ưu tiên của phường là vận động các hộ tự nguyện tháo dỡ công trình; ký cam kết không vi phạm như tháo dỡ mái che di động, hộp đèn, biển hiệu nhô ra không gian vỉa hè, thu dọn bàn ghế, vật dụng kinh doanh... Gần một tháng qua, ý thức của người dân đã chuyển biến rõ rệt, hạn chế nhiều những hành vi lấn chiếm vỉa hè; sắp xếp không gian dừng đỗ xe máy, kê lại bàn ghế, dụng cụ kinh doanh, để xe ngay ngắn.
“Do lực lượng còn mỏng nên trong thời gian tới, phường Hàng Gai sẽ tiếp tục phối hợp với các phường lân cận tại khu vực phố cổ để cùng đi xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại các khu vực giáp ranh, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi,” người vi phạm chạy từ phường này qua phường khác.
Riêng vào ngày cuối tuần có hoạt động của tuyến phố đi bộ, người dân được phép để xe máy trong khu vực chỉ giới theo giờ quy định; sau thời gian này mới được kê bàn ghế để kinh doanh dịch vụ,” ông Nguyễn Mạnh Linh cho biết thêm.
Không để tình trạng “đánh trống bỏ dùi”
Trong đợt tổng kiểm tra lần này, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đặt mục tiêu phát hiện sơ hở, thiếu sót để kịp thời khắc phục nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Để tránh tình trạng ‘‘đánh trống bỏ dùi”, các cơ quan chức năng phải thường xuyên duy trì, đôn đốc việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng.
Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội sẽ kiểm tra toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn; phát hiện, xử lý tất cả các hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe; đề nghị các đơn vị kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”; làm đến đâu dứt điểm đến đó trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng.
Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan duy trì chế độ báo cáo kết quả thực hiện theo từng tuần, từng tháng ở mỗi giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2, Thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.
Giai đoạn 2, từ ngày 1/3 đến 31/3, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách. Giai đoạn 3, từ ngày 1/4 đến 1/11, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.
Từ thực tế, có ý kiến cho rằng, thay vì cấm hẳn, Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác có thể cân nhắc việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh, khoán quản cho từng phường, quận. Như vậy sẽ tạo nên một nề nếp cố định, dễ quản lý và ngăn ngừa vi phạm hơn rất nhiều, bởi chính những người được cho thuê vỉa hè sẽ trở thành nhân tố tiên phong, tích cực nhất giữ gìn trật tự.
Phải chăng đây cũng là một lời giải cho bài toán trật tự, văn minh đô thị, hơn nữa còn là một cơ hội đối với tầng lớp thị dân còn nghèo hoặc chưa có nghề nghiệp ổn định(?). Mệnh đề đó còn cần rất lâu nữa mới được chứng minh.
Trước mắt, người dân Hà Nội đang tiếp tục kỳ vọng, năm 2023 sẽ là năm dấu ấn, công tác giữ gìn trật tự, văn minh đô thị, an toàn giao thông sẽ đạt được hiệu quả cao như nhiều chiến dịch nổi bật được lực lượng chức năng thực thi trong năm 2022.