Quản lý vỉa hè Hà Nội, không để 'đầu voi đuôi chuột'

Câu chuyện về chất lượng vỉa hè Hà Nội lại “nóng” lên khi nhiều tuyến phố vỉa hè được lát bằng đá tự nhiên, mà theo quảng bá sẽ có tuổi thọ 70 năm, tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn đã bị vỡ nứt, không thể sử dụng.

Chú thích ảnh
Hà Nội khẩn trương thiết lập quản lý trong đầu tư lát vỉa hè. Ảnh tư liệu: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Việc “thay áo mới” cho vỉa hè là chủ trương đúng đắn nhằm tạo cảnh quan đẹp hơn cho đô thị Thủ đô. Nhưng với cung cách quản lý và thực trạng xuống cấp quá nhanh của vỉa hè Hà Nội hiện nay, đã cho thấy có nhiều vấn đề cần phải xem xét xung quanh vấn đề cải tạo vỉa hè, nếu không, nguồn vốn ngân sách tiếp tục bị trôi theo những tấm đá vỉa hè vỡ nát.

Mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng, quận, huyện, thị xã của thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng hè phố theo đúng công năng; tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm các điểm đỗ xe ô tô gây hư hỏng, lún nứt hè phố.

Theo các cơ quan chức năng thành phố, có rất nhiều nguyên nhân khiến vỉa hè Hà Nội xuống cấp không phanh, nhưng tựu trung là do sử dụng vật liệu không đạt chuẩn, làm vội làm ẩu, thiếu sự thống nhất trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thi công, chủ đầu tư dự án phó thác mọi việc cho tư vấn. Phần lớn đơn vị sau khi trúng thầu đã thuê lao động phổ thông, không có năng lực và kinh nghiệm thi công, thi công bớt xén công đoạn nhằm giảm chi phí...

Đáng lo ngại là khâu hậu kiểm, một số đơn vị, cá nhân biến những vỉa hè vừa được cải tạo thành điểm trông giữ ô tô trái phép. Những tấm đá lát tự nhiên mới lát, chưa đủ thời gian kết dính, đã không chịu nổi sức nặng của những chiếc ô tô được xếp với mật độ dày đặc, phủ kín vỉa hè vốn công năng thiết kế chỉ dành cho người đi bộ.

Tình trạng khai thác, lấn chiếm vỉa hè quá mức, biến vỉa hè thành nơi trông giữ ô tô đã gây tác động tiêu cực đến tuổi thọ của những “chiếc áo mới” này nếu các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để.

Không ít câu hỏi được đặt ra về trách nhiệm của các cấp chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước khi tình trạng lấn chiếm vỉa hè trở thành “vấn nạn” khó xử lý, kéo dài từ năm này sang năm khác. Liệu có sự bao che, “bảo kê”, lợi ích nhóm khi vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi trông giữ phương tiện trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”?

Hệ lụy từ những bãi đỗ xe tự phát, lấn chiếm, khai thác vỉa hè trái phép là điều không cần bàn cãi, tuy nhiên việc xử lý sai phạm lại không hề đơn giản.

Không phải đến khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thì câu chuyện vỉa hè ở Thủ đô mới trở thành vấn đề bức xúc. Từ nhiều năm trước, Hà Nội từng nhiều lần ra quân lập lại trật tự vỉa hè, nhưng sự bất cập trong phân cấp quản lý, tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu đồng bộ, tiêu cực…, khiến vỉa hè tiếp tục lâm vào ngõ cụt. Đối chiếu với các quy định của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thì các điểm trông giữ xe phải có biển cấp phép của sở này mới là hợp pháp. Bởi vậy, không khó để nhận biết những điểm trông giữ phương tiện trái phép, vấn đề là các vi phạm có được xử lý kiên quyết hay không.

Có thể nói, hạ tầng giao thông ở Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, thì việc lấn chiếm vỉa hè làm bãi trông giữ phương tiện, kinh doanh… không chỉ gây mất trật tự, cản trở giao thông, mà còn làm mất mỹ quan nơi đô thị. Vẫn biết, việc xử lý vi phạm vỉa hè không dễ bởi còn chồng chéo trong công tác quản lý. Một vỉa hè, tuyến phố có nhiều cơ quan quản lý, nhiều cơ quan được cấp phép hoạt động. Chính sự bất hợp lý đó dẫn đến việc các cơ quan, đơn vị, hộ dân ngang nhiên lấn chiếm, khai thác vỉa hè trái phép. Thậm chí, không ít cơ quan, đơn vị tự kẻ vạch sơn, dựng biển “sở hữu” luôn phần vỉa hè, lòng đường trước trụ sở làm nơi đỗ xe; hoặc khai thác sử dụng vỉa hè vượt nhiều lần diện tích được cấp phép...

Theo phân cấp quản lý hiện nay, Sở Giao thông vận tải Hà Nội có nhiệm vụ tổ chức giao thông ở lòng đường, vỉa hè các tuyến phố; còn việc cấp phép hoạt động ở vỉa hè lại do quận, huyện phụ trách theo địa giới hành chính. Thông thường, quận, huyện giao cho phường, xã quản lý sử dụng để có nguồn thu. Quận, phường vừa có trách nhiệm giữ trật tự đô thị, vừa được giao nhiệm vụ thu thuế kinh doanh trên phần diện tích cấp phép sử dụng. Từ đó, đã tạo quy định người dân đóng thuế, nộp phí trên vỉa hè thì được phép khai thác công năng vỉa hè, thậm chí có lạm dụng, lấn chiếm cũng dễ dàng được bỏ qua. Điều này tạo nên cái vòng luẩn quẩn trong quản lý vỉa hè hiện nay ở Thủ đô, một bên hô hào nộp thuế, phí để quản lý (quận, phường), còn một bên thì hô hào giữ trật tự trên vỉa hè (Sở Giao thông vận tải).

Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng manh mún trong sử dụng vỉa hè, lòng đường. Bên cạnh đó, có không ít địa điểm được cấp phép đỗ xe chưa hợp lý, nhất là ở những tuyến phố vỉa hè chật hẹp, gây khó khăn cho người đi bộ, cản trở tầm nhìn cho người điều khiển phương tiện giao thông.

Chính vì vậy, cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vỉa hè theo đúng công năng, mục tiêu đầu tư, thiết kế, cần quy rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân để xảy ra vi phạm trong khai thác, sử dụng vỉa hè. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền, các ngành liên quan của thành phố sớm có sự điều chỉnh phù hợp, thống nhất phương thức quản lý, điều hành, tránh những bất cập như hiện nay.

Dư luận đánh giá cao sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của lãnh đạo thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, dư luận cũng đòi hỏi lãnh đạo thành phố cần quan tâm giải quyết vụ việc tới cùng, tránh “đầu voi đuôi chuột”.

Yến Nhi
Hà Nội chấn chỉnh quản lý lát đá vỉa hè
Hà Nội chấn chỉnh quản lý lát đá vỉa hè

Theo UBND thành phố Hà Nội, qua thông tin phản ánh của báo chí và kiểm tra thực tế của Sở Xây dựng Hà Nội nhận thấy một số tuyến phố được lát đá vỉa hè có hiện tượng sụt lún, nứt vỡ. Nguyên nhân của tình trạng trên là do thi công chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chất lượng đá, công tác quản lý sau đầu tư chưa được quan tâm đúng mức...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN