Video: Vỉa hè các tuyến phố Hà Nội bị lấn chiếm kinh doanh tràn lan, gây bức xúc dư luận:
Điều đáng nói, nhiều năm nay, mặc dù các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cơ sở đã nhiều lần ra quân "dẹp loạn" tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh; song do việc kiểm tra, xử lý chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa", bỏ ngỏ quản lý sau các "chiến dịch", thậm chí các cơ quan báo chí đã không ít lần phản ánh việc chung chi, xử phạt cho tồn tại, nên "vấn nạn" này vẫn diễn ra hàng ngày vào bất cứ thời điểm nào, bất cứ tuyến phố nào, cho thấy sự coi thường pháp luật và cần có biện pháp mạnh tay để răn đe, trả lại không gian cho người đi bộ.
Ghi nhận của phóng viên trên nhiều tuyến phố, tình trạng "phớt lờ" quy định pháp luật, cố tình lấn chiếm vỉa hè thành sở hữu riêng của các tổ chức, cá nhân làm nơi kinh doanh trông giữ xe, họp chợ, mở nhà hàng, buôn bán, tập kết vật liệu xây dựng... đã thành chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" hiện nay.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra tràn lan hiện nay, một phần do ý thức của không ít hộ dân có nhà mặt tiền không chấp hành luật pháp, một phần xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đang trở thành nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông nội đô và mất an toàn giao thông, vì người đi bộ không có lối đi, phải đi lấn xuống lòng đường, đi chung với ô tô, xe máy và các loại phương tiện khác...
Dạo qua các tuyến phố như: Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ), Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), Lý Thường Kiệt, Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm) hay khu vực phố cổ... tình trạng chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh sai quy định, nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán, đang diễn ra phức tạp, khiến giao thông các tuyến phố trong khu vực này thường xuyên ùn tắc, gây bức xúc cho người đi đường. Lưu thông qua các tuyến phố này không còn nhận ra vỉa hè dành cho người đi bộ, nhiều cá nhân, hộ dân biến phần đường trước cửa nhà mình thành của riêng để buôn bán, kinh doanh, thậm chí ngay dưới biến cấm.
Qua tìm hiểu thực tế, tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường Hà Nội hiện nay xuất phát từ sự thiếu quyết liệt của các lực lượng chức năng, quản lý trật tự đô thị từ cấp phường đến quận, dẫn đến các vi phạm, tái vi phạm diễn ra lâu nay, cùng với các mức xử phạt vi phạm hành chính thấp, không đủ sức răn đe. Trong các đề xuất, kiến nghị, kế hoạch xử lý của Ban Đô thị thành phố Hà Nội và các Đoàn kiểm tra liên ngành của các quận, huyện đều yêu cầu các lực lượng chức năng ở cơ sở phải thực hiện nghiêm, địa phương nào để xảy ra vi phạm nhiều, người đứng đầu địa bàn phải chịu trách nhiệm, nhưng dường như các giải pháp này chỉ nằm trên giấy.
Từ trước năm 2020, TP Hà Nội đã có chủ trương trang bị camera giám sát cho Công an phường để “phạt nguội” vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, với mục tiêu phát huy hiệu quả răn đe vi phạm, vừa không cần lực lượng chức năng phải tổ chức ra quân lập lại trật tự đô thị, truy quét các trường hợp cố tình vi phạm, vừa nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định pháp luật của người dân và có thể quy trách nhiệm cụ thể với người đứng đầu chính quyền. Tuy nhiên, giải pháp này đến nay vẫn chưa thấy triển khai.
Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ, vỉa hè, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm hoặc sử dụng trái phép làm nơi buôn bán, kinh doanh. Tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 40 triệu đồng và buộc phải dỡ bỏ, thu dọn vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra.
Chưa hết, không chỉ diện tích vỉa hè của các tuyến phố trong nội đô bị lấn chiếm ngang nhiên, mà "vấn nạn" này đã và đang mở rộng ra phần diện tích sử dụng chung, sân chơi, vườn hoa của các khu tập thể, khu đô thị, khu chung cư... dưới nhiều hình thức biến tướng, nuốt chọn các không gian vui chơi công cộng của người dân để "nhường chỗ" cho hoạt động kinh doanh trái phép.
Hà Nội đang ngày càng phát triển, diện mạo đô thị văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, diện tích vỉa hè nói riêng, giao thông công cộng nói chung đang dần "biến mất", gây áp lực lên hạ tầng đô thị và hệ lụy trở thành bài toán khó giải của các cấp chính quyền thành phố, nếu không có những giải pháp cần làm ngay.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vỉa hè đúng công năng, mục tiêu đầu tư và thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát, tạm dừng ngay việc sử dụng hè phố làm các điểm đỗ xe ô tô, trong giữ xe máy sai quy định, tập kết vật liệu xây dựng, gây hư hỏng, lún nứt hè phố; những trường hợp có vi phạm cần chấm dứt ngay. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu phát huy vai trò của UBND cấp xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, giám sát cộng đồng dân cư trong việc tổ chức thi công, quản lý sử dụng vỉa hè phố sau đầu tư, cải tạo, xây dựng mới; giao Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Vẫn biết, lợi nhuận khổng lồ “một đồng vốn, bốn đồng lời” từ việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh khiến không ít tổ chức, cá nhân đang giành giật nhau từng mét đường, kể cả những tuyến phố văn minh đô thị cũng bị “chia năm xẻ bảy” để phục vụ lợi ích riêng ở Thủ đô “tấc đất, tấc vàng”, nhưng quyết tâm trả lại vỉa hè cho người đi bộ là chủ trương cấp thiết, cần thiết hiện nay của thành phố trong việc thiết lập và chỉnh trang đô thị. Đã đến lúc TP Hà Nội phải kiên quyết dẹp "vấn nạn" này.