Chia sẻ với báo Tin tức (TTXVN), chị Lê Phương Anh (45 tuổi, quản lý quầy thuốc trên đường Tố Hữu bức xúc, không rõ dự án cần thi công những hạng mục gì, nhưng nhiều tháng qua, đất từ quá trình thi công cống thoát nước không được di chuyển và chất đống cao hơn 1 mét trên vỉa hè trước hàng loạt cửa hàng là điều vô lý. Nhiều khách quen của cửa hàng muốn đến mua thuốc phải đi men theo các lối nhỏ và cũng chỉ đi bộ chứ không đi được xe máy. Chưa kể, đơn vị thi công không rào chắn, gây mất an toàn cho người dân xung quanh.
Chị Phương Anh cũng mong muốn công trình sớm hoàn thành để hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. Bởi từ khi công trình bắt đầu đi vào thi công đến nay, ngày mưa thì bẩn, ngày nắng thì bụi, cửa hàng của chị rơi vào cảnh ế ẩm vì khách không thể vào để mua hàng.
Cùng chung nỗi bức xúc, anh Nguyễn Văn Thắng (chủ cửa hàng cơm bình dân trên phố Tố Hữu) cho biết, cống thoát nước được đào rất rộng và sâu nhưng đơn vị thi công không lắp rào chắn phía trong của công trình (đối diện với nhà dân); chưa kể về ban đêm rất tối, vỉa hè đã bị đào xới lên nham nhở nhưng không có hệ thống chiếu sáng, tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân trong khu vực này.
Thời gian này, cửa hàng cơm của anh Thắng đã chuyển sang hình thức bán online là chủ yếu, nhưng dù ship hàng tận nơi thì doanh thu của cửa hàng vẫn bị giảm mạnh do khách không còn mặn mà. Cũng theo anh Hiếu, giá thuê nhà mặt bằng chung ở tuyến đường này khoảng 15 triệu đồng/1 tháng. Từ khi công trình thi công, đã có nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn, thậm chí có hộ phải sang nhượng cửa hàng.
Không chỉ các hộ kinh doanh tại mặt đường mà nhiều người dân trong ngõ của phố Tố Hữu cũng bức xúc khi phải hứng chịu cảnh khói bụi từ vật liệu xây dựng và quá trình đào đường làm cống thoát nước. Đó là chưa kể việc thường xuyên phải hứng chịu cảnh tắc đường.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) cho biết, từ khi dự án được khởi công, lòng đường Tố Hữu và Lê Văn Lương bị thu hẹp, lối lưu thông mặt đường Khuất Duy Tiến bị thu nhỏ lại, tình trạng tắc nghẽn tại nút giao này càng tăng. Do đó, lực lượng cán bộ điều tiết giao thông luôn túc trực tại nút giao này từ 6 giờ sáng đến 22 giờ hàng ngày.
Trước đó, cuối tháng 3/2021, Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Giao thông Vận tải và Công an Thành phố Hà Nội đã tổ chức kiểm tra thực tế tại hiện trường và khu vực thi công dự án hầm chui Lê Văn Lương, trị giá gần 700 tỷ đồng.
Quá trình kiểm tra cho thấy, nhà thầu thi công không đúng theo giấy phép đã được Sở Giao thông Vận tải cấp, gây ảnh hưởng tới khả năng lưu thông của các dòng phương tiện qua nút giao và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trong khu vực.
Về tiến độ của dự án, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội, dự kiến đến cuối tháng 6/2021 sẽ hoàn thành hệ thống đường gom và thoát nước để chuyển sang giai đoạn 2 triển khai các hạng mục chính, hầm chính.
Liên quan đến những bức xúc của người dân chịu ảnh hưởng từ việc thi công dự án, phóng viên đang cố gắng liên hệ với các đơn vị liên quan và sẽ thông tin sớm nhất đến bạn đọc.
Clip phóng viên báo Tin tức (TTXVN) ghi nhận tại hiện trường thi công dự án hầm chui Lê Văn Lương (đoạn đi qua đường Tố Hữu, quận Thanh Xuân, Hà Nội):