Chào mừng ngày Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954-10/10/2022) và hướng tới kỷ niệm ngày di sản văn hoá Việt Nam 23/11, để giúp các em học sinh hiểu hơn nữa về những giá trị lịch sử, văn hóa đất Thăng Long – Hà Nội, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Phòng Giáo dục Đào tạo Quận Hoàn Kiếm, Công ty Cổ phần Đồng Xuân tổ chức chương trình Giáo dục Di sản với chủ đề: “Thăng Long – Hà Nội: Xưa và Nay”.
Chương trình tour Giáo dục di sản “Thăng Long – Hà Nội: Xưa và Nay” giới thiệu về một số di tích tiêu biểu trực thuộc Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội giúp các em học sinh có cái nhìn tổng thể về lịch sử hình thành và phát triển cũng như một số nét đặc trưng văn hóa của Thăng Long - Hà Nội xưa và nay.
Tour du lịch học đường gồm các hoạt động chính như tham quan tìm hiểu văn hóa Hà Nội tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, Ngôi nhà Di sản số 87 Mã Mây, Đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc...
Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội được xây dựng lại gồm 3 tầng và 1 tầng bán hầm. Tầng hầm được bố trí là nơi triển lãm các dự án trùng tu, bảo tồn các di sản vật thể trong khu phố cổ Hà Nội.
Các em học sinh lớp 6G trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tìm hiểu về "Kẻ chợ - phố cổ" qua các thời kỳ lịch sử tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội.
Hướng dẫn viên giới thiệu các con phố cổ trên đường di chuyển trong tour du lịch học đường.
Ngôi nhà cổ 87 phố Mã Mây (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) là một trong những ngôi nhà cổ mang kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa.
Ngôi nhà mang đặc trưng của nhà cổ xưa Hà Nội, theo dạng hình ống, đa năng sử dụng. Mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng.
Điểm cuối cùng trong tour du lịch học đường là Đình Kim Ngân. Đình Kim Ngân được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ ông tổ bách nghệ (tổ trăm nghề) Hiên Viên.
Ngày nay, Đình Kim Ngân nằm trên phố Hàng Bạc, được coi là một trong những đình cổ kính, rộng nhất trên địa bàn phố cổ là một minh chứng về quá trình hình thành, phát triển của các phố nghề tại kinh thành Thăng Long xưa.
Đến nay, Hàng Bạc là khu phố tập trung sinh sống nhiều người thợ kim hoàn Hà Nội.
"Được trải nghiệm học lịch sử như thế này. So với hình ảnh, video được học trên lớp thì em cảm thấy trải nghiệm thực tế sống động và bổ ích hơn khi được cảm nhận rõ ràng hơn", em Lê Hải Đăng học sinh trường THCS Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết.
Phó Trưởng Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, đây là một trong những hoạt động chào mừng 68 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Thông qua hoạt động này giúp các em học sinh hiểu hơn nữa về giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội xưa và nay, từ đó có cái nhìn tổng thể về lịch sử hình thành và phát triển cũng như một số nét đặc trưng văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.