Hàng chục nghìn người Italy biểu tình phản đối cải cách hiến pháp

Hàng chục nghìn người thuộc các phái phản đối cải cách hiến pháp ở Italy chiều 27/11 theo giờ địa phương đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Rome, kêu gọi bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp dự kiến tổ chức vào đầu tháng tới.

Ước tính 50.000 người đã tham gia cuộc biểu tình.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Rome, cảnh sát Italy đã phải tăng cường an ninh ở mức cao nhằm ngăn không để xảy ra các tình huống xấu. Các nhà tổ chức ước tính lượng người tham gia cuộc biểu tình này là vào khoảng 50 nghìn người.

Những người biểu tình đã tập trung tại Quảng trường Cộng hòa và sau đó diễu hành qua nhiều tuyến phố ở thủ đô Rome. Điểm kết thúc của cuộc biểu tình là Quảng trường Nhân dân, nơi phe phản đối cải cách tổ chức một buổi hòa nhạc với chủ đề kêu gọi bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.
Vào ngày 4/12, cử tri Italy sẽ đi bỏ phiếu để quyết định ủng hộ hay phản đối việc xây dựng lại hiến pháp của nước này trong bối cảnh sự lo lắng đang hiện hữu khắp nơi. Hiện cả phái ủng hộ lẫn phái phản đối cải cách đều đang tranh thủ vận động các lá phiếu.

Thủ tướng Matteo Renzi đã gọi cải cách hiến pháp là mẹ của tất cả các cuộc cải cách và là những thay đổi mang tính bước ngoặt theo đó sẽ vạch ra một đường hướng mới cho Italy trong nhiều thập kỷ tới.

Ông Renzi khẳng định cải cách hiến pháp là điều cần thiết nhằm đưa Italy trở nên hiện đại và hiệu quả hơn, tương thích hơn với Liên minh châu Âu, và đất nước này sẽ được trang bị tốt hơn nhằm đối mặt với những thách thức trong một thế giới đang toàn cầu hóa một cách nhanh chóng.
Theo đề xuất cải cách hiến pháp của Chính phủ Renzi, hệ thống lưỡng viện của Italy sẽ được cải tổ. Hiện nay, hai viện đang có quyền lực ngang bằng nhau và đang thường xuyên đấu đá để giành thêm quyền lực cho mình, khiến việc lập pháp gần như là không thể.

Còn trong một hệ thống mới, Hạ viện Italy sẽ có nhiệm vụ tiến hành các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và thông qua các dự luật. Trong khi đó, Thượng viện sẽ bị cắt giảm đáng kể về số lượng, từ 315 nghị sĩ xuống còn 100 nghị sĩ. Thượng viện cũng sẽ chịu trách nhiệm về sửa đổi hiến pháp và các luật vốn tác động trực tiếp đến 20 vùng của Italy. Ngoài ra, quyền lực của các chính quyền địa phương cũng sẽ bị cắt giảm đáng kể.

An ninh được tăng cường ở mức cao.

Hầu hết các các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy Thủ tướng Renzi sẽ thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp và có nguy cơ sẽ phải từ chức. Tuy nhiên, lượng cử tri hiện đang do dự vẫn còn khá lớn và dự kiến họ có thể quay sang ủng hộ Thủ tướng Renzi vào phút chót. Các cuộc bỏ phiếu hoặc bầu cử ở Italy thường hay có những diễn biến bất ngờ. Chính trường Italy luôn là như vậy.

Lực lượng chức năng Italy có mặt theo dõi tình hình cuộc biểu tình.


Cảnh sát chốt chặn một tuyến phố.


Phóng viên tác nghiệp.


Ngự Bình – Đức Hòa (P/v TTXVN tại Rome)
Italy trưng cầu ý dân, EU thêm một lần "chao đảo"?
Italy trưng cầu ý dân, EU thêm một lần "chao đảo"?

Nhiều dự đoán cho rằng châu Âu sẽ thêm một lần nữa “ngả nghiêng” sau hai sự kiện Anh rời liên minh châu Âu (còn được gọi là Brexit) và ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nhân tố chính lần này có thể là Italy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN