Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngôi làng nhỏ dường như lấy lại sức sống khi một nhóm người nhập cư bắt đầu đến đây sinh sống, làm việc và hình thành nên một cộng đồng nhỏ. Sự chuyển mình bất ngờ của làng Riace là thành quả của người đứng đầu làng là ông Domenico Lucano - người đầu tiên đề xuất chính sách cung cấp chỗ ở và nơi dạy nghề cho người tị nạn được chính phủ Italy thông qua từ năm 1998.
Ông Lucano chia sẻ: “Tôi chỉ nghĩ mình nên làm những việc đúng đắn cho cộng đồng nhỏ của chúng tôi. Môi trường đa văn hóa, kỹ năng đa dạng và những câu chuyện cá nhân mỗi người mang tới Riace đã đem lại nét đặc sắc cho ngôi làng, mang đến một cuộc cách mạng thay đổi ‘ngôi làng ma’ này. Trong hoàn cảnh có người không có nhà, còn ở đây có nhà nhưng không có người ở, sự kết hợp trên là điều tất yếu và đơn giản”. Ông Lucano còn được tạp chí Fortune xếp vào danh sách 50 người lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới, bên cạnh Giáo hoàng Francis, Chủ tịch Apple Tim Cook và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Rawda (trái) và cửa hàng bán đồ thủ công ở làng Riace. |
Tính đến thời điểm này, có khoảng 450 người tị nạn từ hơn 20 quốc gia khác nhau ngoài châu Âu đến Riace sinh sống và chiếm 1/4 dân số tại đây. Tuy thỉnh thoảng vẫn còn tồn tại một số mâu thuẫn với người dân địa phương, song chính sách của ông Lucano vẫn được mọi người ca ngợi cũng như ông luôn được tin tưởng và kính trọng khi liên tiếp giữ 3 lần nhiệm kỳ thị trưởng.
Theo ông Manos Moschopoulos - nhân viên phụ trách chương trình vì một xã hội mở châu Âu - nhận xét: “Ông Lucano có tầm nhìn xa trong việc cải tạo khu vực mình quản lí. Hình mẫu Riace đem cho người tị nạn cơ hội được hòa nhập vào xã hội mới, không còn lo nghĩ quá nhiều đến sức ép kinh tế và xã hội. Họ có thể tương tác với người dân bản địa, tập trung học tiếng địa phương và những kỹ năng giúp xây dựng tương lai vững chắc cho bản thân”. Ví dụ một số trẻ sinh ra từ các nước khác nhưng lớn lên tại Riace có thể nói thông thạo tiếng Italy, ngoài tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ.
Ông Lucano hi vọng câu chuyện của Riace sẽ truyền tải thông điệp về tình người, niềm hi vọng và xóa bỏ sự kỳ thị phân biệt chủng tộc. Mọi người nên nhìn nhận việc đón người tị nạn là việc không chỉ giúp đỡ họ mà còn có lợi cho khu vực địa phương tiếp nhận.
Với chính sách hỗ trợ từ chính phủ, nguồn quỹ địa phương giúp dân nhập cư học nghề và mở các cửa hàng lưu niệm bán các đồ thủ công cho du khách. Rawda - một người nhập cư đến từ Somalia đang học nghề và bán đồ thủ công - cho biết: “Tôi không cảm thấy mình bị lạc lõng khi sống tại Riace. Đến đây cùng chồng và con từ 5 năm trước, chúng tôi đã bắt đầu cuộc sống mới. Con gái tôi không thể đến trường ở Somalia, nhưng với nơi này, tôi có thể cho con tôi một tương lai sáng lạn. Chúng sẽ trưởng thành như một công dân thế giới”.
Tuy nhiên, không phải người tị nạn nào cũng có thể dễ dàng hòa nhập cuộc sống tại Riace. Ví dụ như ông Sheriffo, một người di cư đến từ Gambia cùng vợ cách đây hơn 10 tháng được lực lượng bảo vệ bờ biển Italy cứu và đưa về Riace sinh sống. Mặc dù họ được chào đón nồng nhiệt, song ông Sheriffo vẫn gặp khó khăn trong tìm được công việc ổn định cho mình. Ông đang bán đồ lưu niệm cho khách du lịch trên bãi biển ở dưới chân núi. Ông chia sẻ: “Quanh đây không có việc phù hợp với tôi và hỗ trợ của chính phủ thì không đủ cho gia đình sống qua ngày”.
Về vấn đề này, nhân viên bảo trợ xã hội Luca cho biết: “Tôi tự hào về Riace, nhưng cũng lo lắng về tương lai của những người dân nhập cư khi ngày càng có nhiều người đến đây nhưng số lượng công việc chỉ có hạn”.