Không hiệu quả, xuống cấp
9 giờ sáng ngày 29/11/2018, phóng viên báo Tin tức có mặt tại hầm đi bộ Đại Cồ Việt – Lê Duẩn. Đèn chiếu sáng trưng, nhưng suốt hơn 1 tiếng đồng hồ, đoạn hầm nối từ cổng Công viên Thống Nhất sang bên kia đường Lê Duẩn, không một bóng người qua lại.
Đây là một trong số ít hầm đi bộ của Hà Nội có chiều dài khá ngắn, chỉ chưa đầy 50m. Tuy nhiên, cảnh xuống cấp của hầm hiện rõ. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc, nước chảy rỉ từ hệ thống cấp thoát nước trong hầm khiến cầu thang bộ lên xuống cửa hầm ẩm ướt, nhớp nháp, biển chỉ dẫn hướng đi bị mờ theo thời gian…
Trong khi đó, trên mặt đường, tại vị trí nút giao thường xuyên ùn tắc Đại Cồ Việt – Lê Duẩn – Kim Liên, nơi người đi bộ vẫn thản nhiên qua đường, như không có hầm đi bộ.
Hầm đi bộ nút giao Ngã Tư Sở cũng trong tình trạng tương tự, cảnh vắng bóng người sử dụng đã thành quen thuộc. Lác đác có vài cụ già chậm rãi qua lại hầm, dăm người qua đường làm chỗ dừng chân nghỉ ngơi chốc lát hay một vài bạn trẻ tranh thủ đá cầu buổi chiều… Những hình ảnh ấy cho thấy lòng hầm vẫn còn sử dụng được. Còn nhìn từ bên ngoài, cửa hầm từ lâu đã trở thành nơi tập kết đồ phế thải, lồng gà hay quán nước. Sơ đồ, biển chỉ dẫn người đi bộ cũng đã mờ nhạt, khó nhận ra…
Bà Nguyễn Thị Bảy, 64 tuổi (đường Trường Chinh, Hà Nội) cho biết: “Mỗi lần tôi đi từ bên đường Láng về nhà bằng hầm đi bộ này phải mất tới 10 phút, tôi già rồi đi lên mấy bậc thang thấy mỏi chân. Lúc mới đi tôi còn bị lạc do không biết đọc bảng chỉ dẫn…”.
Quan sát trên đường Phạm Hùng, nhiều hầm đi bộ cho thấy đặt sai vị trí, không hợp lý để người đi bộ sử dụng, dẫn đến tình trạng vị trí một số hầm từ lâu đã “bỏ hoang”.
Chưa hết, ngay mới đây, ngày 19/11, người dân đi tập thể dục công viên vào sáng sớm đã phát hiện một xác chết tại khu vực cầu thang lên xuống ở hầm Kim Liên, bên cạnh là kim tiêm. Vụ việc vẫn đang được Công an quận Hai Bà Trưng điều tra.
Qua ghi nhận của phóng viên, 17 hầm đi bộ nằm dưới đường vành đai 3 hiện nay cũng hầu như không được sử dụng.
Về vấn đề này, ông Phạm Thế Minh (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng Hội xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải) cho biết, việc xây dựng hàng loạt hầm đi bộ và cầu vượt dành cho người đi bộ nhằm làm giảm xung đột giao thông và hạn chế ùn tắc trên mặt đất, đảm bảo an toàn cho người đi bộ qua đường. Nhưng hiện nay, hệ thống hầm đi bộ của Hà Nội thiếu hiệu quả là do lỗi thiết kế. Hầm xây dựng không tính tới nhu cầu sử dụng của người dân ở từng vị trí cụ thể, dẫn đến tình trạng nơi thừa nơi thiếu.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, khai thác các công trình này chưa tốt. Nhiều hầm đường bộ mất vệ sinh, mất an ninh trật tự, không đảm bảo an toàn, nên người dân ngại sử dụng, hiệu quả khai thác thấp là điều tất yếu.
Được biết, trị giá đầu tư của trên 30 hầm đi bộ hiện nay là hàng trăm tỷ đồng, nhưng rõ ràng là thiếu hiệu quả.
Bao giờ mới hết lãng phí?
Người dân đặt câu hỏi tại sao hầm đi bộ hàng trăm tỷ lãng phí như vậy, trong khi Hà Nội thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến người đi bộ sang đường không đúng quy định. Thực tế cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa quen sử dụng các công trình giao thông công cộng này. Thêm vào đó, ý thức của không ít người còn hạn chế; công tác quản lý, đảm bảo an ninh dưới hầm chưa tốt, gây tâm lý bất an cho khách bộ hành.
Cô Nguyễn Thị Thư, trực tại hầm đi bộ Bến xe Mỹ Đình cho biết: Các tổ trực bảo vệ tại đây chia làm 3 ca trực/ngày tại hầm. Hầm mặc dù đã được nâng cấp, hàng ngày có công nhân vệ sinh lau dọn thường xuyên nhưng không hiểu sao vẫn rất ít người đi xuống để sang đường cho an toàn. Trong khi, trên đường, trước nhiều dòng ô tô các loại, xe máy đông đúc, nhiều người vừa đi bộ vẫn giơ tay xin sang đường ngay trước cửa các hầm đi bộ.
Theo ông Nguyễn Văn Nhi, Phó giám đốc Công ty CP Công trình giao thông 2 (Sở GTVT Hà Nội), đối với các hầm đi bộ, Công ty đã tăng cường công tác bảo vệ, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, thông gió, bảo đảm trong hầm thoáng, đủ ánh sáng, bảo đảm an toàn, an ninh. Công ty cũng đã đề xuất lắp hệ thống camera giám sát tại tất cả các hầm để người dân yên tâm. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng hầm đi bộ, mà vẫn tùy tiện băng qua đường. Vì vậy, rất cần sự quan tâm tuyên truyền của báo đài và các cơ quan liên quan về tác dụng của hầm đi bộ.
Thiết nghĩ, hầm đi bộ là công trình giao thông phục vụ chủ yếu cho sự an toàn của người dân. Để khai thác và sử dụng hiệu quả, nên chăng các cơ quan có thẩm quyền như chủ đầu tư, chính quyền cơ sở… bên cạnh việc xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, xử phạt người đi bộ băng qua đường theo quy định, cần thường xuyên tuyên truyền lưu động ngay tại vị trí các cửa hầm để người dân hiểu được sự cần thiết của hầm khi sử dụng.