Thực tế này lý giải vì sao hàng loạt hầm đi bộ Hà Nội “đìu hiu” khách, chở thành nơi đi xe đạp hoặc chỉ dùng để nghỉ tránh nắng, mưa, mặc dù hiện đã được đầu tư khang trang, hiện đại.
Hầm đi bộ Ngã Tư Sở khang trang, hiện đại, có camera giám sát và chiếu sáng 24/24 giờ |
Hầm đi bộ Ngã Tư Sở được đầu tư hiện đại |
Hầm đi bộ cổng Bến xe Mỹ Đình sạch sẽ, thoáng mát |
Theo ghi nhận của phóng viên, Hà Nội hiện có 30 hầm đi bộ. Trước năm 2015, nhiều hầm do không được quan tâm quản lý, sử dụng đúng mục đích, nên xuống cấp nghiêm trọng. Cộng với nghi ngại của người dân đối với nhiều tệ nạn dưới hầm tại các vị trí vắng người qua lại, nên càng khiến các hầm dành cho người đi bộ vắng khách.
Vì vắng, nên hầm đi bộ trở thành nơi nghỉ ngơi, tránh nắng, mưa và chờ xe |
Trước phản ánh của dư luận, đến nay hầu hết các hầm đều đã được sửa chữa, chỉnh trang lại sạch sẽ, hiện đại, thoáng mát, có gắn camera giám sát, bật hệ thống đèn chiếu sáng 24/24 giờ và có bảo vệ, nhất là tại các vị trí có mật độ giao thông lớn như: Ngã Tư Sở, cổng Bến xe Mỹ Đình, đường Lê Đức Thọ… Tuy nhiên, các hầm đi bộ hiện vẫn chưa thu hút đông người sử dụng, khiến giá trị đầu tư tiền tỷ không khỏi bị lãng phí.
Và trở thành nơi dùng để đi xe đạp tập thể dục của người dân |
Phần lớn người đi bộ vẫn bất chấp nguy hiểm “len lỏi”, vừa đi vừa tránh qua dòng phương tiện đan xen như mắc cửi để sang đường. Vì “tiện” mà không ít người cản trở, gây mất an toàn giao thông cho các phương tiện khác và coi thường tính mạng bản thân.
Sinh viên đi bộ qua đường ngay tại hầm dành cho người đi bộ cổng Bến xe Mỹ Đình |
Ra khỏi Bến xe Mỹ Đình là nhiều người chủ động đi bộ "len lỏi" qua đường, bất chấp xe cộ |
Cô Nguyễn Thúy Lan, nhà ở đường Láng đi xe đạp trong hầm đi bộ Ngã Tư Sở ngày 26/7 khi được hỏi, hầm này chỉ dành cho người đi bộ chia sẻ: “Mặc dù là hầm đi bộ, nhưng cháu xem có ai đi vào đây đâu, nên cô tranh thủ đi xe đạp vào đây tập thể dục. Vừa tránh nắng mưa, vừa mát mẻ, an toàn…”.
Người đi bộ không xuống hầm qua đường tránh nắng, mà dùng ô che đầu để sang đường cho tiện |
Theo Ban ATGT TP Hà Nội, năm 2013, thành phố có 80 người đi bộ bị tai nạn, con số này năm 2014 tăng lên 92 người. Từ năm 2015 đến nay, còn nhiều hơn, mỗi năm số người chết vì đi bộ lên đến hàng trăm người. Nguyên nhân chính do người đi bộ không chấp hành các quy định về ATGT. |
Cô Nguyễn Thị Thư, trực tại hầm Bến xe Mỹ Đình cho biết: Các tổ trực bảo vệ tại đây chia làm 3 ca trực/ngày tại hầm. Hầm hiện đã được nâng cấp, hàng ngày các ca vệ sinh, lau dọn thường xuyên. Tuy nhiên, không hiểu sao vẫn rất ít người đi xuống hầm để sang đường cho an toàn.
Tại nhiều hầm đi bộ khác, phóng viên ghi nhận trong 30 phút mới hãn hữu có lác đác một đến hai người đi vào. Trong khi, trên đường, trước nhiều dòng ô tô các loại, xe máy đông đúc, nhiều người vừa đi bộ vẫn giơ tay xin sang đường ngay trước khu vực các hầm đi bộ.
Băng sang đường tại hầm đi bộ cổng Bến xe Mỹ Đình, em Trần Thu Hà, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội phân bua: “Cũng muốn xuống hầm để đi, nhưng vắng vẻ, ít người. Hơn nữa, đi bộ sang đường luôn để kịp bắt xe khách, dù biết là mất an toàn giao thông…”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó giám đốc Công ty CP Công trình giao thông 2 (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: Đối với các hầm đi bộ, Công ty hiện đã tăng cường công tác bảo vệ, không để người tụ tập, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, thông gió, bảo đảm trong hầm thoáng, đủ ánh sáng, bảo đảm an toàn, an ninh. Công ty cũng đã đề xuất lắp hệ thống camera giám sát tại tất cả các hầm để người dân yên tâm. Tuy nhiên, người dân vẫn có thói quen sử dụng hầm bộ hành, mà vẫn tùy tiện băng qua đường. Vì vậy, rất cần sự quan tâm tuyên truyền của báo đài và các cơ quan liên quan về tác dụng của hầm đi bộ.