Từ ngày 20/4, quận Hoàn Kiếm cho đục thí điểm vòm cầu đá số 93. Để triển khai công việc, lực lượng chức năng đã giải tỏa một hộ kinh doanh sát phía Bắc mặt vòm cầu số 93.
Đơn vị chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải lưu ý Hà Nội trước khi tiến hành cải tạo cần tổ chức kiểm định độ an toàn chịu lực, bởi công trình này đã tồn tại hơn 100 năm.
Phía bên trên mặt cầu, lực lượng chức năng đã bó ray đường sắt nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu trong quá trình thi công mở thông vòm số 93.
Trước khi tiền hành đục vòm, đội kỹ thuật khoan thăm dò đường kính gần 10 cm để kiểm tra phía bên trong. Hầu hết các vòm này chỉ xây đá và bê tông hai mặt, bên trong rỗng.
Trong quá trình thi công, đơn vị thi công che chắn kỹ càng để không ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống kinh doanh gần đó.
Công tác đục thông gầm cầu được tiến hành cẩn trọng, sau mỗi đoạn đục tiến hành đánh bóng mặt tường ngay.
Mái vòm được đỡ bằng các trục sắt, mỗi góc lót gỗ để chịu lực.
Đến nay, một bên tường bằng đá lấp vòm cầu đường sắt đã được đục thông.
Để đảm bảo cho tuyến đường sắt phía trên, một giàn chống được thiết lập trong vòm cầu. Dự kiến ngày 25/6 tới, vòm đầu tiên sẽ đục thông hoàn toàn.
Sau khi đục xong 6 vòng cầu đường sắt (dự kiến 120 ngày), Ban Quản lý phố cổ sẽ có những đánh giá cụ thể báo cáo lên UBND TP Hà Nội. Nếu được phê duyệt đề án, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội sẽ tiếp tục đục thông 127 vòm cầu đá còn lại.
Theo Ban quản lý phố cổ, dự kiến các vòm cầu được đục thông sẽ tạo ra 3.600 m2 không gian văn hóa, dịch vụ khu vực phố cổ.
“Nhìn cảm quan bên ngoài, những vòm cầu này còn khá chắc chắn. Tuy nhiên, để biết chắc chắn kết cấu của vòm cầu thế nào thì phải chờ lực lượng chức năng kiểm định”, đại diện Ban Quản lý phố cổ (chủ đầu tư dự án) nói.