Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Quốc Vượng, Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên) cho biết, dù Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cắm biển cấm ô tô và xe 3 bánh, nhưng người dân vẫn cố tình đi lên, thậm chí kể cả các xe ô tô.
"Để bảo vệ sự an toàn cho người dân khi lưu thông trên cầu, chúng tôi đã dựng các dải phân cách mềm bằng nhựa nhằm phân luồng, không cho các xe ô tô hay xe ba gác, xe tự chế đi lên cầu. Bên cạnh đó, đơn vị cũng hàn các thanh thép chống, ngăn không cho xe máy đi lên phần đường dành cho người đi bộ. Hiện Công ty Hà Hải đang bố trí 3 người cho 1 ca trực, kiên quyết yêu cầu người dân chấp hành quy định", ông Nguyễn Quốc Vượng cho hay.
Như báo Tin tức đã đưa tin, vào ngày 28/5, mặt cầu Long Biên xuất hiện một lỗ thủng lớn gây nguy hiểm cho người đi đường, đơn vị quản lý cầu đã thay thế tấm bê tông ở vị trí thủng. Cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân sự cố là do một xe 3 bánh chở nặng đi qua, cùng với đó là kết cấu cầu Long Biên lâu ngày đã xuống cấp, việc sửa chữa, bảo dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật.
Biển cảnh báo cùng hệ thống phân luồng giao thông được gắn trên đường dẫn lên cầu Long Biên.
Đồng thời, hệ thống dải phân cách mềm bằng nhựa góp phần ngăn chặn ô tô và xe tự chế chở hàng cồng kềnh đi lên cầu.
Hai lối lên cầu được đơn đơn vị quản lý cầu Long Biên dựng hai cột sắt và phân làn để đảm bảo cho các phương tiện đi qua cầu.
Biển cảnh báo nguy hiểm được gắn nhiều nơi trên cây cầu 120 năm tuổi này.
Trong tháng 5/2022, cầu Long Biên đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên mặt cầu, khiến người dân qua đây cảm thấy bất an.
Sau 1 tuần lắp đặt, hệ thống này đã phát huy tác dụng.
Mỗi ngày, cầu Long Biên vẫn "gánh" trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại.