Đổi giờ học, nhiều tuyến phố lại tắc

Chiều 13/2, sau khi các trường THCS trên địa bàn Hà Nội tổ chức tan học theo khung giờ mới như chỉ đạo của thành phố, cảnh ùn tắc lại tái diễn trên một số tuyến phố vì 18 giờ vẫn là giờ cao điểm.

Tại trường THPT Thăng Long, đúng 18 giờ chiều học sinh tan học, khu vực phố Tạ Quang Bửu trở nên ùn tắc do trường nằm trên đoạn đường cua tay áo, học sinh tan lại đông.


Phố Tạ Quang Bửu tắc nghẽn khi học sinh tan trường vào lúc 18 giờ.


Tại trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng, học sinh khối 10 và một nửa khối 11 tan trường vào lúc 6 giờ kém 15 phút chiều. Do hôm 13/2, tiết cuối là tiết sinh hoạt nên các em học sinh được về sớm. Bình thường, các khối này sẽ tan vào lúc 18 giờ.

Riêng phố Hồng Mai  khá thông thoáng, mặc dù đây là con phố thường xuyên bị ùn tắc khi học sinh trường Đoàn Kết tan học.

Minh, một nữ sinh lớp 11 cho biết: "Em muốn giữ nguyên giờ như trước, tức là tan lúc 19 giờ. Sớm thì sớm hẳn mà muộn thì muộn hẳn". Một số học sinh khác cùng lớp cũng đồng tình với ý kiến này và cho rằng sau 2 tuần thay đổi giờ học, các em đã quen với nếp sinh hoạt mới, giờ lại thay đổi gây ra những khó khăn cho các em.

Thầy Dương Trí Chương, giáo viên môn Toán trường Đoàn Kết đề xuất: Buổi sáng đã học sớm hơn, tan sớm hơn thì buổi chiều cũng nên học sớm hơn. Có thể vào lớp lúc 12 giờ15 và tan học lúc 17 giờ kém 15. Chứ tan trường lúc 18 giờ vẫn là giờ cao điểm nên tình trạng ùn ứ giao thông sẽ khó cải thiện được.

Trong khi đó, đường Vũ Trọng Phụng ách tắc từ lúc 17 giờ đến sau 18 giờ. Đây là tuyến phố có trường THPT Nhân Chính. Theo các em học sinh, khi tan trường lúc 19 giờ, các em không gặp cảnh này.

Phố Vũ Trong Phụng vẫn tắc nghẽn lúc 18giờ 15.


"Từ ngày đổi giờ, tôi mất thêm 30 phút đón con buổi chiều. Bây giờ chưa thể đánh giá ngay được hiệu quả của phương án đổi giờ. Tuy nhiên tắc đường còn do nhiều nguyên nhân, nên điều chỉnh giờ học như thế này thì hơi thiệt cho các cháu"- chị Nguyễn Thị Huyền, một phụ huynh học sinh cho biết.

Con gái chị, cháu Trần Thanh Huyền, học sinh lớp 10A10 của trường thì cho rằng: "Giờ giấc như thế này là bình thường. Em thấy nói chung là chấp nhận được".

Đây cũng là ý kiến chung của nhiều học sinh và phụ huynh khác.

Hương Giang - học sinh lớp 11 D7 – THPT Phạm Hồng Thái cho biết: "Tan vào lúc 18 giờ như thế này trời vẫn chưa tối nên đi về đỡ lạnh hơn. Nhà em cách trường 2km. Đạp xe về nhà cũng vừa giờ cả gia đình ăn cơm. Thời gian tan học lúc 19 giờ, em toàn phải ăn một mình".

 "Tan trường giờ này là hợp lí. Nếu tan vào lúc 19 giờ thì quá muộn. Hai tuần đổi giờ đó, em nó đi học về đều phải đi ăn cơm bụi trong khi nhà nấu cơm rồi mà không được ăn để cho kịp giờ học buổi tối. Nếu cháu tan hoc vào 18 giờ, tôi có thể đợi cháu 30 phút rồi hai mẹ con về nhà ăn cơm, cháu vẫn có thời gian nghỉ ngơi để 8 giờ tiếp tục học ca buổi tối", bác Dung, một nhân viên kế toán có con đang theo học tại trường Phạm Hồng Thái nói.

Nhóm PV Báo Tin tức

Đổi giờ làm để giảm ùn tắc: Chỉ là tình thế
Đổi giờ làm để giảm ùn tắc: Chỉ là tình thế

Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 7/2, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, sau một tuần thực hiện đổi giờ học, giờ làm tại 10 quận nội thành và 2 huyện Thanh Trì, Từ Liêm, bước đầu giao thông Hà Nội đã có những cải thiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN