Ẩm thực đường phố Singapore trước nguy cơ thất truyền

Ẩm thực đường phố Singapore từ lâu đã trở thành di sản văn hóa đặc sắc của đảo quốc xinh đẹp này. Tuy nhiên, ngành ẩm thực này hiện phải đối mặt với nguy cơ mai một do lớp đầu bếp kỳ cựu đã đến tuổi “xế bóng”, đặt ra câu hỏi về lớp người kế tục những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo thống kê, Singapore hiện có hơn 100 trung tâm bán hàng rong và 6.000 quầy hàng bán thức ăn sẵn tại Singapore. Các cửa hàng chủ yếu được quản lý bởi các đầu bếp đứng tuổi, bày bán những món ăn địa phương đặc sắc từ nhiều vùng miền với mức giá chỉ từ 2 USD (44.000 đồng).

Tuy nhiên, nét văn hóa ẩm thực này hiện đang bị đe dọa thất truyền do lớp đầu bếp trẻ thường tìm đến các nhà hàng sang trọng hiện đại hơn.

Theo giáo sư Leslie Tay, chuyên gia ẩm thực hàng đầu Singapore, điều kiện làm việc khó khăn, nội dung công việc vất vả và thu nhập không ổn định là những lý do giải thích nguyên nhân các đầu bếp trẻ lại không mặn mà với công việc này.


Ông Alex See hiện quản lý một gian hàng Fried Hokkien Mee (mì xào) ở Bờ Đông Singapore cho biết: “Nhiều người trẻ tuổi tìm đến học hỏi rồi ra đi. Họ không nghiêm túc với việc học hành”.

Trước thực trạng trên, các nhà quản lý đã khuyến khích các đầu bếp nghỉ hưu hoặc sắp nghỉ hưu dạy nghề cho các đầu bếp trẻ tuổi nhằm giúp bảo tồn ngành nghề của đất nước này. Sau đó, đầu bếp này sẽ được thuê một gian hàng với mức giá cố định trong một khu ẩm thực mới mở. Tuy nhiên, giải pháp này cũng bộc lộ nhiều hạn chế khi có những đầu bếp muốn truyền nghề nhưng lại không tìm được người thích hợp.

Ông Sumosundram Moghan, quản lý gian hàng Roti Prata, hay còn gọi là bánh kếp cà ri chia sẻ: “Ai cũng có thể nhào bột nhưng cách tôi lật bánh sẽ mang lại độ giòn".


"Thợ học việc của tôi đã theo học được 8 năm, nhưng vẫn không làm được theo đúng cách tôi muốn”, ông Sumosundram Moghan than thở.


Ông Lim Swee Heng đã đầu tư nhiều năm để cho ra đời món mỳ laska cay hảo hạng.


Công sức và thời gian bỏ ra để làm được món mỳ laska cay ưng ý có thể khiến nhiều người trẻ ngại ngần.


Một đầu bếp khác là ông Wee Phong Sai đã làm món súp mì cá viên thủ công gần 40 năm tại chợ thực phẩm Ghim Moh.


Ông Wee Phong Sai chưa bao giờ nghĩ tới chuyện nghỉ hưu do chưa tìm được người kế nhiệm phù hợp.


Tuy nhiên, có không ít lớp người trẻ tuổi hăng hái mong muốn tiếp nối truyền thống gia đình. Lim đã từ bỏ công việc nhân viên kinh doanh để quản lý cửa hàng Hoover Rojak (món salad trộn trái cây ăn truyền thống của Malaysia) trên đường Balesteir.


Anh tâm sự: “Nhiều người bán hàng rong tại trung tâm thực phẩm này đã khuyên tôi nên tìm một công việc tốt hơn vì bán hàng rong rất vất vả, phải làm nhiều giờ và rất ít thời gian nghỉ ngơi.” Lim đã tiếp quản cửa hàng của gia đình được 3 năm và luôn cố gắng bắt chước chính xác những phương pháp của cha mình, ngay cả việc sắp xếp dụng cụ nấu nướng.


Vào ngày 21/7 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử, hai quầy ăn đường phố Singapore đã được trao tặng giải thưởng ngôi sao Michelin danh giá được ví như giải Oscar của ngành ẩm thực. Liệu niềm vinh dự này có giúp thúc đẩy ngành ẩm thực đang đứng trước nguy cơ lụi dần của đảo quốc sư tử Singapore? Tương lai của nét văn hóa độc đáo này phụ thuộc rất nhiều vào lớp trẻ và những chính sách bảo tồn của chính phủ.


Ông Chan đã giành được ngôi sao Michelin danh giá về ẩm thực với quầy hàng gà sốt xì dầu.


Được vinh danh trong làng ẩm thực nhưng ông Chan không hề tăng giá món ăn.



Một đĩa satay (thịt xiên) 5 USD được bán trên đường phố Singapore.


Bát bak chor mee (mỳ thịt băm) giá 3,7 USD.


Lê Huyền (Theo Reuters)
Điều làm nên sức hấp dẫn của ẩm thực Singapore
Điều làm nên sức hấp dẫn của ẩm thực Singapore

Vốn đa dạng trong văn hóa, sắc tộc vì là điểm hội tụ của nhiều dân tộc khác nhau từ Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ…, ẩm thực Singapore vì vậy vô cùng phong phú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN