Chi phí nhà ở, dịch vụ, mua sắm... ở Singapore vào loại cao nhất thế giới. Ảnh: Reuters
|
Theo EIU, chi phí cho việc mua và vận hành tham gia giao thông của một chiếc xe ô tô cá nhân ở "đảo quốc Sư tử" cao hơn 2,7 lần so với ở thành phố New York (Mỹ). Bên cạnh đó, chi phí cho việc mua sắm quần áo, các dịch vụ..., tại Singapore cũng vào loại cao nhất thế giới.
Duy trì vị trí đồng hạng thứ hai là Thụy Sỹ và Hong Kong (Trung Quốc). Đáng chú ý, Hong Kong tỏ ra là ""đối thủ đáng gờm" của Singapore khi đã leo liền một mạch bảy bậc trên bảng xếp hạng năm nay.
Cuộc khảo sát của EIU đã chỉ ra nhóm năm thành phố đắt đỏ nhất thế giới gồm Singapore, Zurich (Thụy Sỹ), Hong Kong, Geneva (Thụy Sỹ) và Paris (Pháp). Ngược lại, các thành phố có giá sinh hoạt rẻ nhất là Lusaka, thủ đô của Zambia, tiếp theo là Bangalore và Mumbai (Ấn Độ).
Cuộc khảo sát của EIU được tiến hành trên cơ sở so sánh chi phí sinh hoạt, quy đổi sang đồng USD, của 160 sản phẩm và dịch vụ giữa 133 thành phố trên toàn thế giới và sử dụng New York (Mỹ) là một thành phố căn cứ; trong đó bao gồm các chi phí từ thực phẩm đến quần áo, vận chuyển và các dịch vụ tiện ích, chi phí thuê nhà, vận tải, chăm sóc cá nhân, giải trí...
Các chuyên gia của EIU nhấn mạnh rằng bảng xếp hạng năm nay có sự xáo trộn lớn bởi chi phí trên toàn thế giới biến động do đồng USD tăng giá, sự phá giá tiền tệ cũng như giá dầu giảm sâu. Việc giá cả hàng hóa giảm đã tạo ra áp lực giảm phát ở một số nước, nhưng ở một số nước khác tiền tệ suy yếu lại dẫn đến tình trạng leo thang lạm phát.
Chính do đồng đôla Australia suy yếu đã đẩy cả Sydney và Melbourne ra khỏi tốp 10 thành phố đắt đỏ nhất thế giới để xuống vị trí thứ 20 và 21 tương ứng.