10 công trình giao thông hoàn thành thúc đẩy kinh tế đất nước năm 2018

Năm 2018, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã hoàn thành và đưa vào khai thác 27 công trình giao thông, với tổng mức đầu tư gần 70.000 tỷ đồng. Trong số này có 10 công trình lớn như: Cầu Cao Lãnh, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, cầu Việt Trì - Ba Vì, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn…

Cùng nhìn lại 10 công trình trọng điểm tạo ra bước đột phá lớn về hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn khánh thành và đưa vào khai thác ngày 30/12/2018 là sân bay cấp 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), sân bay quân sự cấp II, CHK quốc tế Vân Đồn là dự án 100% huy động từ vốn tư nhân, có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới. Mái vòm nhà ga sân bay Vân Đồn được thiết kế lấy cảm hứng từ những cánh buồm nâu no gió, xếp chồng lên nhau hướng ra biển lớn.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh cảng hàng không quốc tế Vân Đồn

Tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn với tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2018. Nhìn từ trên cao, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn như một dải lụa uốn lượn xuyên qua các vùng núi rừng tuyệt đẹp.

Chú thích ảnh
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn chạy thẳng ra sân bay Vân Đồn nhìn từ trên cao

Cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt Hạ Long là công trình du lịch quốc tế đầu tiên của Quảng Ninh và cả nước, có tổng vốn gần 1.100 tỷ đồng, có thể đón tàu tải trọng lớn nhất đến 225.000 GRT, chở 8.460 người, phục vụ được 2 tàu neo đậu cùng lúc. Cảng được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng nhanh lượng khách du lịch đến Quảng Ninh qua đường tàu biển, tạo thêm điểm nhấn mới cho TP Hạ Long.

Chú thích ảnh
Cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt Hạ Long đầu tiên của cả nướcChú thích ảnh

Dự án cầu Cao Lãnh đưa vào khai thác tháng 5/2018 góp phần giảm tải cho QL1, đồng thời hình thành một trục cao tốc phía Tây từ TP HCM đến Kiên Giang trong tương lai. Sau hơn 4 năm xây dựng, cầu Cao Lãnh là cầu thứ ba bắc qua sông Tiền nằm trên địa phận tỉnh Đồng Tháp. Với kết cấu cầu chính dài hơn 2 km và phần đường nối khoảng 23,45 km, tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng, dự án được đưa vào sử dụng xóa cảnh đò ngang cách trở và giảm tải cho QL1.

Chú thích ảnh
Cầu Cao Lãnh kết nối đôi bờ sông Tiền. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến ngày 2/9/2018, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139 km, được thiết kế với vận tốc 120 km/giờ, tổng mức đầu tư lên tới 34.000 tỷ đồng, rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống còn khoảng 1 giờ so với khoảng hơn 3 giờ khi lưu thông trên tuyến QL1. Đặc biệt, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn giảm tải rất lớn cho QL1 khi khu vực miền Trung xảy ra tình trạng mưa lũ, ngập lụt.

Chú thích ảnh
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Sau hơn 4 năm triển khai thi công, tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình dài gần 26 km được xây dựng theo tiêu chuẩn tiền cao tốc, tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, khánh thành đầu tháng 10/2018, rút ngắn khoảng cách, thời gian, chi phí đi lại, “mở toang” cánh cửa để Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Chú thích ảnh
Đường BOT Hòa Lạc - Hòa Bình thông xe ngày 10/10. Ảnh: Việt Hùng/TTXVN

Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì có tổng chiều dài 9,46 km, tổng mức đầu tư 1.463 tỷ đồng, phần cầu chính Việt Trì - Ba Vì vượt sông Hồng dài 1,55 km, đường dẫn phía Phú Thọ dài 0,26 km và đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54 km. Công trình đưa vào sử dụng rút ngắn quãng đường từ Thủ đô Hà Nội đến trung tâm TP Việt Trì khoảng 20 - 30 km, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên QL32, QL32C, góp phần đảm bảo nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân nơi dự án đi qua.

Chú thích ảnh
Cầu Việt Trì - Ba Vì bắc qua sông Hồng. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí dài 57 km, đi qua các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh, có tổng mức đầu tư 2.905 tỷ đồng theo hình thức PPP. Tuyến đường được mở rộng 4 làn xe. Đoạn đường ngoài đô thị có tốc độ thiết kế là 80 km/giờ, trong đô thị là 60 km/giờ. Tuyến đường được nâng cấp từ tháng 5/2014 và hoàn thành vào đầu năm 2018, kết nối đồng bộ với dự án Uông Bí - Hạ Long đã hoàn thành, góp phần tăng cường an toàn giao thông và giảm ách tắc trên quốc lộ 18.

Chú thích ảnh
Dự án BOT Bắc Ninh - Uông Bí trên tuyến Quốc lộ 18. Ảnh: Việt Hùng/TTXVN

Cầu Bạch Đằng đưa vào khai thác góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), nối liền TP Hải Phòng với Quảng Ninh và rút ngắn quãng đường từ TP Hạ Long đi Hà Nội từ 180 km như xuống còn 130 km, với thời gian đi bằng ô tô giảm từ 3,5 giờ xuống còn 1,5 giờ.

Chú thích ảnh
Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 11.000 lượt xe lưu thông qua cầu Bạch Đằng. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn La Sơn - Túy Loan qua tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng theo hình thức BT, thông xe kỹ thuật cuối năm 2018. Dự án dài 77,5 km, có tổng mức đầu tư 11.486 tỷ đồng. Dự án La Sơn – Túy Loan hoàn thành sẽ góp phần khớp nối toàn tuyến cao tốc từ Huế vào Đà Nẵng, Quảng Ngãi, tạo mạng lưới giao thông huyết mạch, liên hoàn, giảm tải cho Quốc lộ 1; đồng thời có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, cũng như cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Chú thích ảnh
Cầu vượt La Hy trên tuyến dự án La Sơn - Túy Loan
Đăng Sơn/Báo Tin tức
Dấu ấn Việt - Nhật từ những công trình giao thông
Dấu ấn Việt - Nhật từ những công trình giao thông

Đến nay, Nhật Bản đã tài trợ vốn ODA cho Việt Nam lên tới hơn 884,5 tỷ Yên (khoảng 170.000 tỷ đồng) để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam và là nhà tài trợ lớn nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN