Tại Hội nghị, các chuyên gia đã công bố các dữ liệu phân tích tình hình tai nạn giao thông tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2022. Kết quả này là dữ liệu giúp cơ quan chức năng, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước sử dụng như một trong những bằng chứng khoa học để tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các sáng kiến nâng cao mức độ an toàn giao thông cho Thành phố trong tương lai.
Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Bùi Nhật Minh, Đại học Giao thông Vận tải - Phân hiệu TP Hồ Chí Minh cho biết, tai nạn giao thông tại Thành phố giảm dần từ năm 2016 - 2021, nhưng đã tăng lên vào năm 2022. Dữ liệu cũng cho thấy, tỷ lệ ca tử vong ở người điều khiển xe máy chiếm 86% số ca tử vong do tai nạn giao thông giai đoạn 2020 - 2022. Người điều khiển xe máy tử vong chủ yếu do va chạm bởi xe máy khác (chiếm 37,9%), xe tải nhỏ (chiếm 30,4%) và xe tải nặng (14%). Trong khi đó, phương tiện chủ yếu gây tai nạn dẫn đến tử vong cho người đi bộ và người đi xe đạp là xe máy.
Theo ông Bùi Nhật Minh, đáng chú ý, thời điểm tai nạn tăng cao trong năm thường trùng với dịp Tết Nguyên đán và các dịp lễ. Thời gian tai nạn tăng cao thường vào dịp cuối tuần.
Trên cơ sở báo cáo, nhóm nghiên cứu đề xuất, địa phương cần ưu tiên ưu tiên giải quyết các điểm đen và tuyến đường nguy hiểm. Việc điều chỉnh cơ sở hạ tầng tại những địa điểm này là cơ hội giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tử vong. Do đó, Thành phố cần tiến hành điều tra bổ sung ở các địa điểm này để hiểu rõ các tình huống dẫn đến va chạm và thực trạng hạ tầng khiến người tham gia giao thông gặp nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, với các báo cáo, phân tích về số liệu này, các chuyên gia đã cung cấp những bằng chứng quan trọng về tình hình an toàn giao thông; đồng thời cung cấp tài liệu khoa học kịp thời và thực tiễn về các nguy cơ tiềm ẩn đối với người tham gia giao thông yếu thế trên địa bàn như: người đi xe máy, người sử dụng phương tiện thô sơ, người đi bộ.
Ông Nguyễn Thành Lợi cho rằng, bên cạnh việc đảm bảo tốt về hạ tầng, hành lang pháp lý, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Từ đó, hình thành ý thức tham gia giao thông văn minh, an toàn cho người dân. Đây là yếu tố quyết định dẫn đến sự an toàn cho mỗi người khi tham gia giao thông.
Vital Strategies là đối tác của Quỹ Bloomberg Philanthropies - đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Sáng kiến Vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu tại TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2025. Dự án này có 3 hợp phần chính là: Truyền thông; Cưỡng chế và Kỹ thuật hạ tầng giao thông.