Tỷ lệ chênh lệch trên cho thấy, Nghị định 100/2019/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt) với việc tăng cao mức phạt vi phạm về nồng độ cồn (mức phạt cao nhất đối với xe ô tô là 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, tạm giữ xe đến 10 ngày làm việc) đã có tác động tích cực với người tham gia giao thông, nhất là số người điều khiển phương tiện xe ô tô. “Đã uống rượu bia thì không lái xe” đã dần trở thành nếp nghĩ, thành thói quen sinh hoạt của nhiều người có xe ô tô.
Tuy nhiên, với số người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, nhiều người vẫn chủ quan, với tâm lý tiện thể, di chuyển quãng đường ngắn, khó bị phát hiện, xử lý nên vi phạm xảy ra thường xuyên hơn. Cẩm Phả là địa bàn tập trung nhiều công ty than, khu công nghiệp, chiếm lượng lớn công nhân. Trong số 24 trường hợp xe máy vi phạm nồng độ cồn, có nhiều người vẫn đang mặc đồng phục công nhân. Khi lực lượng chức năng yêu cầu khai báo mục nghề nghiệp, hầu hết họ đều khai nghề nghiệp tự do.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển mô tô, xe máy là từ 2 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng, tạm giữ phương tiện đến 10 ngày làm việc. Mức xử phạt này không phải là thấp, công tác tuyên truyền với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn cũng đã được thực hiện thường xuyên, người vi phạm không phải không biết, nhưng vẫn cố tình vi phạm. Nhiều người đặt câu hỏi phải chăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy vẫn chưa đủ sức răn đe?