Chưa thu hút người bệnh
Thống kê của Cục Quản lý Y, dược cổ truyền, Bộ Y tế, tính đến năm 2017, cả nước có 63 bệnh viện y học cổ truyền, 92% các bệnh viện đa khoa có khoa y học cổ truyền, 85% trạm y tế tuyến xã có tổ chức khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Bên cạnh đó còn có hệ thống 18.900 phòng chẩn trị và trung tâm thừa kế đông y do tư nhân lập nên.
Tuy nhiên, trước sự phát triển ngày càng lớn mạnh của tây y, những thành tựu khoa học tiến bộ việc chữa bệnh cấp tính và các bệnh khó cho nhân dân đạt hiệu quả cao khiến cho hoạt động khám chữa bệnh đông y phần nào giảm sút. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền chưa thu hút được bệnh nhân. Cùng với đó là sự xuất hiện của một số cá nhân, đơn vị quảng cáo, giới thiệu các loại thực phẩm chức năng, thuốc gia truyền quá mức làm giảm đáng kể uy tín của y học cổ truyền.
Dù có lịch sử lâu đời, có hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền khá dày đặc nhưng đến nay, chính sách đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y học cổ truyền vẫn chưa xứng tầm. Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền vẫn chưa có sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, điều trị bệnh phải mất thời gian lâu dài khiến cho người dân chưa có niềm tin vào y học cổ truyền. Bên cạnh đó, chính sách Bảo hiểm y tế như khống chế phối hợp thuốc, thời gian thực hiện các thủ thuật, thắt chặt thanh toán…đã phần nào làm hạn chế sự phổ biến của y học cổ truyền.
Thống kê của Cục Quản lý Y, dược cổ truyền, năm 2017, tỷ lệ lượt khám bệnh bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trên tổng số lượt khám chữa bệnh chung của cả nước chỉ đạt 4,1% ở tuyến trung ương, 11,7% ở tuyến tỉnh, 13,4% ở tuyến huyện và 28,5% ở tuyến xã. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận, y học cổ truyền Việt Nam phát triển còn rất khiêm tốn. Việc truyền thông cho người dân, cung cấp kiến thức cho người dân về y học cổ truyền, về “cái hay, cái được” của thuốc đông y còn kém.
Ngoài ra, một vấn đề khiến cho y học cổ truyển chưa thể phát triển mạnh đó là khan hiếm nguồn cung cấp dược liệu chất lượng cao. Trong khi Việt Nam được ưu đãi về thiên nhiên, điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu, có hơn 5.000 loài thực vật dùng trong phòng bệnh và chữa bệnh. Thế nhưng, số vùng chuyên canh cây dược liệu ở nước ta vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay với sản lượng rất khiêm tốn. Mới chỉ có một số địa phương quy hoạch và triển khai nuôi trồng dược liệu một số cây, con có hiệu quả chữa bệnh và có giá trị kinh tế như: diệp hạ châu, đinh lăng, ích mẫu, kim tiền thảo, sa nhân tím, sâm ngọc linh, trinh nữ hoàng cung…
Theo Cục Quản lý Y, dược cổ truyền, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 60.000 - 70.000 tấn dược liệu. Thế nhưng, sản xuất dược liệu trong nước chỉ mới chỉ đáp ứng chưa đến 10%, hơn 90% dược liệu, nguyên liệu phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Đặc biệt, nhiều dược liệu được Trung Quốc thu mua nguyên liệu từ Việt Nam với giá rẻ, đưa về Trung Quốc chế biến, bào chế sau đó bán ngược sang Việt Nam với giá vô cùng đắt đỏ.
Tiến sỹ, bác sỹ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh dẫn chứng, long nhãn ở tỉnh Bến Tre được thương lái Trung Quốc thu mua với giá 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau đó, Trung Quốc bán lại sang Việt Nam dưới dạng dược liệu có giá hơn 200.000 đồng/kg. Hay mủ trôm của Việt Nam chỉ bán trên thị trường khoảng 200.000 – 250.000 đồng/kg nhưng sau khi được Trung Quốc thu mua, chế biến và quay trở lại Việt Nam với cái tên tuyết yến, giá đội lên gần 10 triệu đồng/kg.
“Đây thực sự là nỗi đau lớn của những người làm y học cổ truyền bởi không tận dụng được nguồn dược liệu trong nước mà phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáng lo ngại là qua kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc y học cổ truyền đã phát hiện dược liệu có lẫn tạp chất, hàm lượng hoạt chất thấp, thậm chí còn bị trộn hóa chất, nhuộm phẩm màu... gây nguy hại cho người sử dụng”, Tiến sỹ, Bác sỹ Trương Thị Ngọc Lan chia sẻ.
Đau đầu bài toán nhân sự
“Thiếu bác sỹ, thiếu điều dưỡng, thiếu dược sỹ, đặc biệt là thiếu bác sỹ chuyên môn sâu là bài toán đau đầu của không chỉ Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh mà là tình trạng chung của các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền”, Tiến sỹ, bác sỹ Trương Thị Ngọc Lan nhận định. Theo bà Lan, các bệnh viện muốn có nhân sự chuyên môn sâu, cử người đi học 18 tháng ở bệnh viện tây y hoặc phải “dụ” nhân sự ở nơi khác về, nhưng không dễ “dụ” bởi đãi ngộ của y học cổ truyền quá thấp.
Không chỉ bệnh viện tuyến Trung ương, mà tất cả các bệnh viện y học cổ truyền hoặc bệnh viện đa khoa có khoa y học cổ truyền đều thiếu bác sỹ. Thống kê của Cục Quản lý Y, dược cổ truyền, năm 2013, tỷ lệ bác sỹ y học cổ truyền trong tổng số bác sỹ của Việt Nam là 7,94%. Đến năm 2017, tỷ lệ này giảm xuống còn 7,32%. Đặc biệt, tỷ lệ nhân lực y học cổ truyền có trình độ chuyên sâu năm 2017 chỉ đạt 5,69% so với nhân lực y tế nói chung.
Trong khi nhân sự của các bệnh viện thiếu thì các quy định về cấp giấy phép hành nghề cho lương y vẫn chưa theo sát thực tế. Theo Bác sỹ Lê Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có đến 600 lương y chưa được cấp giấy phép hành nghề dù họ được đào tạo đàng hoàng. Nhiều lương y không có giấy phép hành nghề đã buộc phải đóng cửa phòng mạch, tìm kế mưu sinh mới. “Điều này vô cùng lãng phí, không tận dụng được đội ngũ lương y lành nghề để phát triển nền y học cổ truyền”, Bác sỹ Lê Hùng cho hay.
Chỉ ra nguyên nhân khiến cho nhân sự y học cổ truyền khan hiếm, Tiến sỹ, Bác sỹ Trương Thị Ngọc Lan cho rằng do những bất cập trong đào tạo và chính sách phát triển y học cổ truyền của Việt Nam. Hiện nay, trong các trường y, dù chuyên ngành đào tạo là bác sỹ y học cổ truyền nhưng nội dung đào tạo có đến 70% dung lượng học về tây y. Điều này khiến cho các bác sỹ y học cổ truyền thường có xu hướng “tây y hóa”. Một số người trung thành với đông y, trình độ chưa đủ “chín” bởi được đào tạo quá ngắn.
Y học cổ truyền Việt Nam trước xu hướng hiện đại hóa: Bài 2 - Tích hợp đông tây y