Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện nay còn nhiều bất cập trong công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong lĩnh vực y học cổ truyền nói riêng và của ngành y tế nói chung. Trong đó, các văn bản chính sách chưa đồng bộ nên việc thực hiện còn nhiều khó khăn ở cả ngành y tế và ngành bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy, tại hội thảo, các đại biểu tập trung đưa ra các vướng mắc và giải pháp giải quyết các khó khăn trong công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế lĩnh vực y học cổ truyền để sử dụng nguồn Quỹ bảo hiểm y tế bền vững, phát huy hiệu quả.
Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Ninh có 230 giường bệnh đã đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ chẩn đoán điều trị đông tây y kết hợp nhưng số bệnh nhân vẫn giảm đáng kể. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Theo Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), sau khi thực hiện Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi và các văn bản hướng dẫn Luật, năm 2015, nhiều bệnh viện đã giảm đáng kể số lượng người bệnh đến khám và điều trị cả ngoại trú và nội trú. Hiện tại, các trường đại học không nhận bác sỹ chuyên khoa y học cổ truyền học chuyên khoa sơ bộ, định hướng một số chuyên ngành y học hiện đại. Vì vậy, một số bệnh viện y học cổ truyền không đủ điều kiện về nhân lực để đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hoặc được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nhưng lượng thẻ đăng ký rất ít.
Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội chỉ dựa trên chỉ định thuốc của các công ty ghi trên đăng ký, không dựa vào chỉ định của các bác sỹ; không cho phép kê đơn dưới 7 ngày đối với bệnh cấp tính và 1 đợt điều trị bệnh mãn tính chỉ được khám 1 lần. Đặc biệt, kết nối liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện trong tỉnh và trên toàn quốc chưa thực hiện được tại các bệnh viện. Cổng giám định của bảo hiểm xã hội không phân quyền chức năng kiểm tra thuốc, dịch vụ ngoài danh mục mà bệnh viện đã sử dụng...
Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Tuấn kiến nghị: Thời gian tới, ngành y tế và ngành bảo hiểm cần thống nhất để có chính sách riêng cho các bệnh viện y học cổ truyền; đề nghị có cơ chế mua thuốc nam (thuốc bản địa không qua đấu thầu); nâng định mức trần chi trả tại trạm y tế đối với y học cổ truyền; bổ sung tiêu chí chất lượng cho các dược liệu, đặc biệt là thuốc nam; xây dựng, bổ sung qui trình điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại đủ để áp dụng cho các loại bệnh thường gặp tại bệnh viện.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến Quý I/2017, cả nước có 63 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chuyên khoa về y học cổ truyền (không tính các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa có khám chữa bệnh y học cổ truyền); trong đó có 4 cơ sở hạng 1, 26 cơ sở hạng 2, 29 cơ sở hạng 3 và 4 cơ sở không hạng. Một số bất cập trong thực hiện và thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền là: Chỉ định đồng thời nhiều dịch vụ kỹ thuật có cùng cơ chế tác dụng; thực hiện dịch vụ kỹ thuật không đảm bảo qui trình kỹ thuật, thời gian và định mức theo quy định; tách các dịch vụ kỹ thuật để thanh toán; kéo dài ngày điều trị nội trú; đưa bệnh nhân vào điều trị nội trú khi chưa cần thiết. Đặc biệt, giá trúng thầu của các vị thuốc y học cổ truyền chênh lệch rất lớn giữa các địa phương; ghi quy cách của dược liệu, vị thuốc tại kết quả đấu thầu không rõ ràng gây khó khăn trong giám định giá thanh toán...
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế xem xét điều chỉnh mức giá dịch vụ kỹ thuật y học cổ truyền phù hợp với thực tế cung ứng; tăng cường, chỉ đạo hướng dẫn công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Bộ Y tế cần đánh giá hiệu quả sử dụng vị thuốc y học cổ truyền tại các địa phương có chi phí vị thuốc y học cổ truyền lớn; công bố giá thuốc trúng thầu, giá trúng thầu trung bình đối với vị thuốc y học cổ truyền; hướng dẫn cụ thể việc sử dụng, thanh toán đối với thuốc tự bào chế.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung chính như: Thực trạng công tác khám chữa bệnh y học cổ truyền; công tác dược bệnh viện; thực trạng thanh toán bảo hiểm y tế trong cơ sở y tế có thực hiện khám chữa bệnh y học cổ truyền...