“Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng đợt này khó khăn hơn nhiều”
Gần 12 giờ đêm, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vẫn nhộn nhịp tiếng bước chân, chưa bao giờ phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 lại nhiều màu áo xanh bảo hộ đến vậy. Khoa lại vừa tiếp nhận thêm 5 bệnh nhân COVID-19 nặng được chuyển tới, tất đều trong tình trạng phải cấp cứu, can thiệp khẩn trương.
Trong tiếng “tít tít” dày đặc của máy đo nhịp tim, máy thở… nơi đây dường như không có giấc ngủ.
Đêm 14/5 cũng là một đêm mệt nhoài với các y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, cũng là đêm vất vả nhất kể từ đầu mùa dịch đến nay. Chưa bao giờ các y bác sĩ lại nhận cùng một lúc nhiều bệnh nhân nặng như vậy, công việc thêm chồng chất, trách nhiệm càng phải cao hơn trong nỗi nhọc nhằn suốt hơn 1 năm qua ở nơi tuyến đầu điều trị Bệnh nhân COVID-19.
Trong đêm ấy, cũng có một nỗi thất vọng khiến tất cả kíp trực lặng đi một lúc, dù đã cố gắng tối đa nhưng có một bệnh nhân quá nặng không qua khỏi (BN3839).
Sức “nóng và căng” của đêm đáng nhớ ấy vẫn còn trong đôi mắt thâm quầng của BS. Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương; người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở đây.
“Đợt dịch này chúng tôi huy động nhân tối đa nhân lực của khoa để tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19. Tất cả các bệnh nhân vào đây đều rất nặng, ngoài việc phải trang bị các thiết bị cần thiết nhất, hiện đại nhất, chúng tôi phải đảm bảo trong bất cứ tình huống nào cũng có thể đáp ứng nhanh nhất cấp cứu cho bệnh nhân. Chưa bao giờ Khoa lại tiếp nhận số lượng bệnh nhân COVID-19 lớn như hiện tại. Vì vậy chúng tôi phải bố trí nhân lực, các phương án điều trị tối ưu nhất”, BS. Phạm Văn Phúc chia sẻ.
Theo đó, hiện Khoa Hồi sức tích cực đang điều trị cho 18 bệnh nhân COVID-19, tình trạng các bệnh nhân đều rất nặng trong đó có 16 ca đang thở máy, 2 ca thở oxy đã được rút ống nội khí quản. Hầu hết các bệnh nhân ở đây đều có bệnh lý nền nặng như: Suy thận mãn giai đoạn cuối, suy tim, tăng huyết áp, tiểu đường… Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân mới lại có những bệnh nhân trở nặng phải chạy hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) ngay trong đêm. Khoa phải huy động tối đa, thậm chí cả các y, bác sĩ bên ngoài cũng cùng vào để hỗ trợ kíp trực.
“Từ đầu mùa dịch tới nay, chúng tôi đã phải cấp cứu nhiều trường hợp trong đêm nhưng đợt dịch này phải nhận cùng lúc nhiều bệnh nhân, với bệnh lý nền rất nặng và phải can thiệp thủ thuật nhiều nên số lượng điều dưỡng, bác sĩ phải tăng gấp 3 lần so với các đợt dịch trước. Điều trị các ca bệnh nặng đợt này cũng khó khăn hơn nhiều”, BS. Phúc chia sẻ.
Các bác sĩ là F1, trên tinh thần có thể bị lây nhiễm
Có lẽ đợt dịch lần này cũng rất đặc biệt với các y, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, vì ngoài nhiệm vụ tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, nhất là các bệnh nhân nặng; toàn Bệnh viện còn phải trong trạng thái cách ly phòng dịch khi xuất hiện các ca lây nhiễm tại đây, không khí căng thẳng gấp nhiều lần.
“Sự khác biệt của đợt dịch lần này là ngay trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nơi tuyến đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 đã có những trường hợp bị lây nhiễm. Vì vậy, ngoài việc tham gia cách ly, điều trị, tất cả nhân viên y tế ở đây đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh, có tiếp xúc với F0. Vì vậy ngoài tâm lý sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân chúng tôi cũng phải luôn trong tâm lý có thể lây bệnh bất cứ lúc nào”, BS. Phạm Văn Phúc chia sẻ.
Tuy nhiên, với tinh thần luôn sẵn sàng tất cả các tình huống có thể xảy ra, các cán bộ y tế cùng với Bệnh viện đã lường trước các kịch bản, lên kế hoạch ứng phó.
Với riêng BS. Phạm Văn Phúc, đây là lần thứ 5 anh nhận lệnh vào điều trị bệnh nhân COVID-19. Mỗi lần đi vào nơi cách ly lại có những đặc thù riêng nhưng với anh, đợt dịch lần thứ 4 này là “nặng” nhất, khắc nghiệt nhất trong tất cả những lần anh tham gia khi lượng bệnh nhân nhiều, Bệnh viện lại trong tình trạng phải cách ly y tế toàn bộ cơ sở ở Kim Chung, Đông Anh, nhưng vẫn phải tiếp nhận điều trị các ca dương tính chuyển đến, công việc của các y, bác sĩ, điều dưỡng vất vả bội phần.
“Khi bị cách ly, chúng tôi cũng đã quen nên cứ lao vào guồng công việc. Thậm chí ở hậu phương, gia đình cũng luôn sẵn sàng tinh thần tôi sẽ vắng mặt thời gian dài. Lần này cũng vậy, nhưng có sự khác biệt vì tôi đang là đối tượng F1 nên vợ, con cũng phải cách ly tại nhà”.
Nhắc đến gia đình BS. Phạm Văn Phúc mỉm cười: “Mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là cố gắng hoàn thành công việc, để giữ an toàn trở về nhà khi xong nhiệm vụ. Có lẽ việc đầu tiên khi tôi trở về nhà là ôm con gái vào lòng, tôi nhớ cháu lắm!”.
Suốt hơn một năm qua, các y bác sĩ nơi tuyến đầu dịch bệnh đã phải gạt bỏ hết những tình cảm riêng tư, những nhu cầu cá nhân để băng mình vào nơi nguy hiểm nhất, mang lại bình yên cho cộng đồng. Những đêm trắng giành giật sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần với mong muốn tất cả được khoẻ mạnh trở về nhà; không ít giọt mồ hôi, nước mắt đã rơi xuống nhưng chẳng một lời kêu than. Dù hiểm nguy cận kề, họ vẫn âm thầm, lặng lẽ cống hiến.
“Nếu hỏi chúng tôi có mệt không, tôi xin trả lời thật là rất mệt. Nhưng không vì thế mà chúng tôi chùn bước, nản chí. Khi đã nhận lệnh, anh em luôn phải sẵn sàng” BS. Phạm Văn Phúc chia sẻ.