Tháng phòng, chống HIV/AIDS:

Xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng

“Xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 sẽ là một thách thức lớn đối với TP Hồ Chí Minh”.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ mít tinh. 

Nhận định này được Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đưa ra tại lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS, diễn ra sáng 1/12.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, đến tháng 9/2022, ước tính tại TP Hồ Chí Minh đã phát hiện 68.420 người nhiễm HIV và có 13.678 người tử vong vì căn bệnh thế kỷ này. Kể từ khi phát hiện ca mắc đầu tiên vào năm 1990 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực kết hợp triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về xã hội và chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ đó, tình hình nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố từng bước được kiểm soát, số người nhiễm HIV mới, số trường hợp nhiễm chuyển sang AIDS và tử vong liên quan tới căn bệnh này hằng năm liên tục giảm.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, những năm gần đây, xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng và đã vượt qua xu hướng lây nhiễm qua đường máu, tiềm ẩn nguy cơ HIV sẽ tiếp tục lây lan cho cộng đồng.

Chú thích ảnh
Đoàn xe cổ động với các khẩu hiệu phòng, chống HIV/AIDS diễu hành dọc các tuyến đường của thành phố Thủ Đức. 

TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành mục tiêu 90 - 90 - 90 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm bệnh của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) với tỷ lệ tương ứng là 92 - 90,8 - 99. Thành phố đang hướng đến mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2025, song lãnh đạo Sở Y tế nhận định, trong bối cảnh nguồn lực quốc tế tài trợ bị cắt giảm việc giữ vững thành quả phòng, chống HIV/AIDS cũng như hoàn thành mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2025, hướng đến kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 sẽ là thách thức lớn đối với TP Hồ Chí Minh.

Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay, TP Hồ Chí Minh tập trung vào chủ đề “Chấm dứt dịch bệnh AIDS - Thanh niên sẵn sàng”. Cụ thể, kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Đứng trước tình hình dịch HIV/AIDS đang ảnh hưởng mạnh lên nhóm tuổi trẻ, việc nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh viên là cần thiết. Để thực hiện điều này cần có sự góp sức của Đoàn thanh niên các cấp trong việc chủ động triển khai hoạt động truyền thông phù hợp điều kiện của từng đơn vị mình, góp phần hướng tới chấm dứt đại dịch AIDS.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12: 'Liều thuốc' bình đẳng
Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS 1/12: 'Liều thuốc' bình đẳng

Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) năm nay là "Hiện thực hóa bình đẳng" (Equalize), tức là đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận với các biện pháp phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị, cũng như chia sẻ công nghệ và sự hỗ trợ nhằm đạt mục tiêu chấm dứt "căn bệnh thế kỷ" vào năm 2030, trong bối cảnh cuộc chiến chống HIV/AIDS trên toàn cầu đối mặt nhiều thách thức. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN