Xây dựng cộng đồng khỏe mạnh - Bài 1: Đổi thay diện mạo ngành Y

Trong 50 năm qua, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao chất lượng y tế, kể cả chuyên môn lẫn dịch vụ, đáp ứng nhu cầu điều trị của người dân.

Chú thích ảnh
Tòa nhà khang trang của Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 được đưa vào hoạt động từ năm 2020. Ảnh: Quang Châu/TTXVN

Nhiều công trình bệnh viện hiện đại được đưa vào sử dụng, hàng trăm kỹ thuật y tế chuyên sâu được áp dụng… Hệ thống y tế cơ sở cũng được cải thiện với mục tiêu cao nhất là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng giống nòi.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm 3 bài viết với chủ đề “Xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, phát triển toàn diện và bền vững” nhằm điểm lại những mặt tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân từ điều trị đến dự phòng của ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.

Bài 1: Đổi thay diện mạo ngành Y

Xác định chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân trên địa bàn, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh dành nhiều nguồn lực, không ngừng mở rộng hệ thống cơ sở y tế, cải tạo cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, góp phần giúp người dân tiếp cận các cơ sở y tế nhanh nhất, có chất lượng khám, chữa bệnh tốt nhất.

Niềm vui ở những công trình bệnh viện mới

Trong không khí cả nước chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, người dân huyện Hóc Môn và các vùng lân cận vui mừng khi công trình xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn được đưa vào hoạt động.

Những ngày cuối tháng 4, bà Trần Thị Út Em (63 tuổi, ngụ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) được con gái đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn để khám bệnh. Bà không khỏi ngỡ ngàng khi bệnh viện trở nên khang trang, sạch đẹp, hiện đại hơn nhiều.

Còn chị Nguyễn Thị Cúc (32 tuổi, ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) quyết định lựa chọn sinh con thứ 2 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn thay vì lên Bệnh viện Từ Dũ như ý định ban đầu. Chị chia sẻ: “Sau khi bệnh viện mới hoàn thành, khang trang, sạch đẹp và có bác sĩ tuyến trên hỗ trợ nên tôi và gia đình yên tâm chọn sinh con tại đây. Và quả thật tôi rất hài lòng”.

Bác sĩ Đặng Quốc Quân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cho biết, công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn có tổng mức đầu tư 1.894 tỷ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh nội trú. Sau khi hoàn thành, cơ sở này được định hướng phát triển thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh đầy đủ các chuyên khoa, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản của người dân trên địa bàn.

Bệnh viện được đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng gói mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại như máy DSA, MRI, CT…Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn đang được các bệnh viện tuyến trên của Thành phố như Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt… hỗ trợ chuyên môn để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu.

“Mục tiêu của chúng tôi là sẽ phát triển các kỹ thuật chuyên sâu ngay tại địa phương để người dân không còn phải chuyển lên tuyến trên, vừa tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng kỳ vọng của người dân vừa góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến cuối”, bác sĩ Quân chia sẻ.

Nhớ lại thời gian trước đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn là bệnh viện có cơ sở vật chất chật hẹp và xuống cấp nhất trong hệ thống cơ sở y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo bác sĩ Đặng Quốc Quân, đó là giai đoạn bệnh viện trải qua vô vàn khó khăn, bệnh nhân than phiền về sự cũ kĩ và xuống cấp, không tuyển được nhiều bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, thậm chí nhiều nhân viên y tế còn xin nghỉ việc, chuyển đến nơi có điều kiện thuận lợi hơn. Đặc biệt, do địa hình ở khu vực trũng thấp, cứ đến mùa mưa, bệnh viện lại bị ngập nặng, nhiều máy móc, trang thiết bị phải được kê lên cao tránh hư hỏng, nhân viên y tế lội nước bì bõm cấp cứu người bệnh.

Tương tự, từ ngày Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh chuyển về cơ sở 2 tại thành phố Thủ Đức, toàn bộ nhân viên y tế và bệnh nhân đến điều trị ung thư vô cùng phấn khởi. Những năm trước, ai từng đến Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 ở quận Bình Thạnh đều ngán ngẩm khi chứng kiến cảnh chật hẹp, xuống cấp tại đây.

Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi số lượng bệnh nhân từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam kéo về Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh khám và điều trị ngày càng nhiều. Tình trạng này đã được chấm dứt kể từ khi Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 được đưa vào hoạt động. Bệnh viện mới có quy mô 1.000 giường, thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế và có nhiều trang thiết bị hiện đại gồm: Máy CT thế hệ mới, MRI 3.0 Tesla, 6 máy xạ trị thế hệ mới, 16 phòng mổ hiện đại tiêu chuẩn quốc tế với hệ thống áp lực dương, hệ thống xét nghiệm liên hoàn, hệ thống giải trình tự gen, hóa mô miễn dịch… hiện đại tương đương các bệnh viện hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Nhìn bệnh nhân được đến khám, điều trị trong bệnh viện khang trang, sạch đẹp, hiện đại, Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh không khỏi xúc động. Ông cho biết, nhiều năm trước đây, trong một chương trình kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), khi được lãnh đạo Thành phố hỏi về ước mong của những người thầy thuốc, rất nhiều giám đốc bệnh viện đã ước mong có thêm nhân sự, thêm máy móc, trang thiết bị hiện đại nhưng với riêng ông, ông chỉ ước bệnh nhân ung thư khi đến bệnh viện đều được nằm mỗi người một giường bệnh mà không phải chen chúc 2-3 người trên một chiếc giường, thậm chí là phải “chui dưới gầm giường” như tại Bệnh viện Ung bướu. Và nay, ước mong của bác sĩ Tuấn đã trở thành hiện thực.

“Không gian bệnh viện mới giúp bệnh nhân thoải mái hơn, bớt mệt mỏi hơn còn y bác sĩ cũng có không gian để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu mà mình đã học tập, tích lũy trong nhiều năm qua. Bây giờ chúng tôi đã thỏa nguyện”, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn bộc bạch.

Cú hích thúc đẩy y tế vùng ven

Chú thích ảnh
Sử dụng robot phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Cùng với việc đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn ở cửa ngõ phía Tây, năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động 2 bệnh viện cửa ngõ khác là Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi và Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.

Các dự án này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nâng cao chất lượng y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là các khu vực vùng ven, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Đây là 3 bệnh viện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với nguồn vốn từ ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, mỗi bệnh viện có tổng vốn đầu tư từ 1.800-1.900 tỷ đồng, quy mô 1.000 giường bệnh. Để phục vụ khám, chữa bệnh, điều trị cho người dân đạt hiệu quả tốt nhất, cả 3 bệnh viện được đầu tư mua sắm trang thiết bị với tổng số tiền gần 4.400 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2018, từ vùng đất đầm lầy của huyện Bình Chánh - cửa ngõ phía Tây Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã có một công trình bệnh viện hiện đại được xây dựng, đó là Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (người dân vẫn quen gọi là Bệnh viện Nhi đồng 3). Công trình được xây dựng với tổng kinh phí 4.500 tỷ đồng trên diện tích sàn xây dựng hơn 12.000 m2 gồm 1.000 giường bệnh, 10 phòng chức năng, 39 khoa lâm sàng và cận lâm sàng.

Lúc bấy giờ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố được thiết kế là bệnh viện thực hành theo mô hình viện - trường đạt tiêu chuẩn quốc tế, trang thiết bị đầu tư hiện đại với thế hệ mới nhất. Ngay khi ra đời, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố được định hướng tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên sâu trong nhi khoa đầu tiên tại Việt Nam, trang bị nhiều thiết bị hiện đại như, máy Oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể (ECMO), phòng mổ Hybride cho phẫu thuật tim mạch, hệ thống kính vi phẫu, thiết bị định vị thần kinh, máy MRI, máy CT…

Đến nay, sau 7 năm đưa vào hoạt động, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh tin cậy của người dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt, vào năm 2020, bệnh viện này đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi. Ca phẫu thuật được cộng đồng y khoa quốc tế đánh giá là thể hiện trình độ chuyên môn cao của các bác sĩ và sự tiến bộ vượt bậc của nền y học Việt Nam.

Năm 2022, công trình xây mới Bệnh viện Truyền máu - Huyết học cơ sở 2 tại cụm y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh cũng được đưa vào hoạt động với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn quốc tế, trang bị nhiều thiết bị hiện đại như: Giải phẫu bệnh tế bào học, di truyền học, sinh học phân tử, giải trình tự gen. Hiện, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở y tế công lập đầu tiên trên cả nước đạt chứng nhận JCI (Joint Commission International) - tiêu chuẩn vàng về chất lượng y tế, mở ra hướng điều trị cho người nước ngoài trong tương lai.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, ngành Y tế Thành phố liên tục đưa vào hoạt động các bệnh viện rất khang trang, hiện đại và mang tính chuyên sâu rất cao.

“Chưa bao giờ cơ sở hạ tầng về y tế của Thành phố lại được đầu tư mạnh mẽ như vậy. Chúng tôi tin rằng với sự đầu tư này và với nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao, ngành Y tế Thành phố đảm trách được nhiệm vụ mà Trung ương giao và phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe ASEAN.

Bài 2: Những bước đi đầu tiên tiệm cận quốc tế

Đinh Hằng (TTXVN)
Nhiều hoạt động ý nghĩa của ngành y tế nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Nhiều hoạt động ý nghĩa của ngành y tế nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Ngày 4/4, tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), Câu lạc bộ truyền thống Ban Dân y miền Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); Khánh thành tượng các danh y, Thầy thuốc tiêu biểu và tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN