Vĩnh Long: Khuyến cáo người dân không chủ quan trước diễn biến dịch COVID-19

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, tỉnh Vĩnh Long cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đã bước sang giai đoạn bình thường mới.

Chú thích ảnh
 Người dân đến khám tại khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long vì xuất hiện các triệu chứng suy giảm sức khỏe sau khi khỏi COVID-19. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Tuy nhiên, những ngày gần đây, số ca mắc mới trong cộng đồng có dấu hiệu tăng cao. Một số trường hợp người dân chủ quan, không khai báo y tế khi mắc bệnh mà tự điều trị và theo dõi sức khỏe. Tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là mà cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, đảm bảo sức khỏe người dân và tiếp tục đà khôi phục kinh tế - xã hội.

Số ca mắc mới tăng nhanh

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, dù tỉnh và 8 huyện, thị xã, thành phố duy trì dịch cấp độ 1 (nguy cơ), song đã có 26 xã, phường, thị trấn đang ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình). Trong 14 ngày qua, tỉnh ghi nhận 1.418 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trung bình 101 ca/ngày, riêng ngày 8/3 ghi nhận hơn 620 ca. So với 14 ngày trước đó, số ca mắc tăng 576 trường hợp. Số ca mắc trong cộng đồng và qua sàng lọc tại cơ sở y tế chiếm trên 80%; trong đó số ca là học sinh, giáo viên đang tăng nhanh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vĩnh Long Nguyễn Thanh Hà cho biết, những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca bệnh phát hiện liên tục tăng, có ngày trên 100 ca. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Vĩnh Long yêu cầu các cơ quan, ban, ngành thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các phường tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không lơ là, chủ quan, yêu cầu thực hiện nghiêm thông điệp 5K, hạn chế tổ chức tiệc tùng, ăn uống tập trung đông người. Các địa phương tích cực vận động những người chưa tiêm vaccine khẩn trương tiêm đầy đủ. Các phường tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh những trường hợp tập trung đông người nơi công cộng không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, vấn đề cốt lõi là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. Tuy nhiên, thời gian gần đây khi tỉnh triển khai điều trị F0 tại nhà, ngành y tế đã phát hiện một số trường hợp mắc bệnh rồi tự điều trị, không khai báo dẫn đến bệnh chuyển nặng, phải nhập viện ở tầng cao hơn để điều trị. 

Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 Vĩnh Long đã tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp mắc COVID-19 nguy kịch, trong đó có một số bệnh nhân chuyển nặng là do không khai báo y tế khi phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 để được quản lý, theo dõi, điều trị kịp thời.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Hạnh Phúc, Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 Vĩnh Long, cho biết Trung tâm vừa điều trị cho một số bệnh nhân nặng. Qua thăm khám mới phát hiện mắc bệnh nhưng không khai báo y tế mà tự mua thuốc về uống. Đến ngày thứ 4, thứ 5 hoặc thứ 7, bệnh đột ngột chuyển nặng, gia đình đưa vào cấp cứu thì bệnh nhân rơi vào nguy kịch, suy hô hấp. Đối với những trường hợp này thì quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn do bệnh nhân đến trễ, bệnh diễn tiến nhanh, nguy kịch.

Lưu ý sức khỏe sau khi mắc COVID-19

Tính từ đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Long đã có hơn 24.930 người được điều trị khỏi bệnh, 739 trường hợp tử vong. Do được tiêm vaccine và hiệu quả của công tác phân tầng điều trị, số ca mắc COVID-19 giảm dần, số người tử vong cũng giảm. Vấn đề đáng lo ngại là nhiều người sau khi khỏi bệnh thì xuất hiện các triệu chứng hậu COVID-19, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tại Phòng bệnh nặng, khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh tiếp tục nhập viện điều trị phải hỗ trợ thở oxy vì các di chứng hậu COVID-19. Ông Trần Như Phương (phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh) có bệnh nền và chưa được tiêm vaccine nên khi mắc COVID-19 tình hình khá nặng. Sau khi điều trị khỏi COVID-19 ông được chuyển đến khoa Nội tổng hợp để điều trị các vấn đề liên quan đến bệnh nền. Những ngày qua, ông vẫn phải thở oxy vì bị suy hô hấp nặng. 

Khoa Khám bệnh thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long mỗi ngày ghi nhận hơn 20 trường hợp đã khỏi COVID-19 đến khám vì xuất hiện các triệu chứng suy giảm sức khỏe. Không chỉ người lớn tuổi mà ngay cả người trẻ cũng gặp phải những triệu chứng này.

Anh Hồ Văn Trí ( xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) mắc COVID-19 cách đây hơn 2 tháng. Khi mắc bệnh, anh không có nhiều triệu chứng, chỉ bị sốt nhẹ, mất vị giác và tự mua thuốc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, sau khi khỏi bệnh, anh thường thấy mệt mỏi và khó thở, không thể làm việc thuận tiện như trước đây.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Đức, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết, hơn 80% bệnh nhân đến khám có vấn đề về hô hấp, nặng ngực, thở hụt hơi, mệt và sức khỏe giảm hơn trước. Ngoài ra, bệnh có thể gặp ở một số người như giảm tập trung, dễ xúc động, khó ngủ, giảm trí nhớ, mệt mỏi không lý giải được. Đặc biệt, có những trường hợp gặp phải di chứng  nặng, phải nhập viện điều trị.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng, qua đánh giá, sau khi mắc COVID-19, một số người bệnh có các triệu chứng suy giảm sức khỏe về hô hấp hoặc các vấn đề như tim mạch, thần kinh, tiêu hóa… Đối với những trường hợp này, đòi hỏi yếu tố về mặt tinh thần, do đó người bệnh sau khi xuất viện cần tiếp tục theo dõi sức khỏe, giữ tinh thần lạc quan, dinh dưỡng hợp lý, đồng thời phải kiên trì tập thở và các bài tập phục hồi chức năng vừa sức… để đẩy lùi các vấn đề sức khỏe hậu COVID-19.

Ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế, trong quá trình thăm khám, điều trị cho bệnh nhân hậu COVID-19 phải đặc biệt lưu ý trấn an, thăm khám kỹ để tìm ra những yếu tố làm cho người bệnh khó chịu, tìm ra những bệnh lý chính cần điều trị. Thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện những hướng dẫn của Bộ Y tế trong cập nhật phác đồ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, đánh giá mô hình bệnh hậu COVID-19 để có giải pháp điều trị, quy trình hướng dẫn, tư vấn phù hợp giúp cho người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn sau khi đã điều trị khỏi COVID-19.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long dự báo trong thời gian tới, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng cao, mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine của tỉnh đang ở mức cao nhưng không thể bảo vệ hoàn toàn cho người dân. Do đó, người dân cần chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân, theo dõi sức khỏe để kịp thời khai báo y tế khi mắc COVID-19, hạn chế lây lan trong cộng đồng. Khi phát hiện mắc bệnh, người dân cần báo cho cơ sở y tế để có tư vấn và quản lý điều trị tại nhà hợp lý, khi có dấu hiệu chuyển nặng phải gọi ngay cơ sở y tế hoặc đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Hồ Thị Thu Hằng chia sẻ, các cơ sở y tế trên địa bàn đã tiếp nhận một số trường hợp khi đến nhập viện đã chuyển khá nặng do tự điều trị và theo dõi sức khỏe không theo hướng dẫn của ngành y tế. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh, nhất là những trường hợp có bệnh nền hoặc xuất hiện các trường hợp thiếu oxy thầm lặng. Trên thực tế, nhiều người mắc COVID-19 đang có chỉ số SpO2 ổn định, nhưng bất ngờ bị tình trạng thiếu oxy thầm lặng, người bệnh cảm thấy rất bình thường nhưng thực sự đã có tổn thương đường hô hấp. Vì vậy, thường xuyên đo SpO2 là một trong những yêu cầu cần thiết với người mắc COVID-19.

Ngành y tế khuyến cáo người dân khi mắc COVID-19 cần khai báo với cơ sở y tế để được hướng dẫn theo dõi những dấu hiệu, triệu chứng có thể chuyển nặng, qua đó phát hiện kịp thời để điều trị, đảm bảo an toàn sức khỏe.

Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Móng Cái vẫn tạm dừng do dịch COVID-19
Hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Móng Cái vẫn tạm dừng do dịch COVID-19

Từ 25/2 đến nay, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) vẫn đang tạm dừng do phía Trung Quốc triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN