Cùng phụ nữ khởi nghiệp, vượt khó khăn trong đại dịch COVID-19

Thời gian qua, phong trào phụ nữ khởi nghiệp đang ngày lan tỏa rộng khắp, những ý tưởng sáng tạo, năng lực vươn lên và nhiệt huyết của chị em đã góp phần khẳng định thêm vị thế, đóng góp, tiềm năng của phụ nữ trong sự phát triển kinh tế, xã hội.

Chú thích ảnh
Phụ nữ vươn mình sáng tạo khởi nghiệp. Ảnh: TTXVN.

Nỗ lực vươn lên

Phong trào phụ nữ tại các địa phương thời gian qua phát triển mạnh mẽ, rất nhiều dự án khởi nghiệp của chị em đã thành công, được tôn vinh, mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, qua đó giúp ổn định đời sống, vượt qua sự khó khăn của dịch bệnh.

Đơn cử như sản phẩm Gel bôi trơn và nước rửa tay khô OCHI từ thảo dược thiên nhiên của Công ty Cổ phần Hoa Lan (Hà Nội), doanh nghiệp do bà Nguyễn Thị Đông làm chủ, đã được đưa ra thị trường thành công. Trong giai đoạn phòng chống dịch vừa qua, với tinh thần vì cộng đồng, sản phẩm này vừa được tặng cho nhiều đơn vị, vừa bán ra thị trường, được đánh giá cao về chất lượng. Sản phẩm cũngã được chọn vào vòng thi cấp vùng cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công năm 2020" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Theo bà Nguyễn Thị Đông, doanh nghiệp rất mong muốn kết nối được với các vùng nguyên liệu sạch của chị em để mở rộng sản xuất hơn nữa, đồng thời cũng mong muốn được hỗ trợ đầu ra, đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, nhất là các sản phẩm an toàn đến chị em.

Hay trong lĩnh vực công nghệ, nhóm bạn nữ đam mê công nghệ của Công ty Enouvo Group đã có sản phẩm Smartos nhận giải thưởng Triển vọng tại cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu OCOP”, do Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Đây là một một ứng dụng cung cấp các nền tảng trực tuyến giúp các đơn vị cung cấp không gian làm việc chung, tối ưu hoá các khâu vận hành, tiết kiệm thời gian và kết nối hiệu quả với khách hàng; giúp nhiều công việc như: Nhận phòng, đặt phòng, theo dõi hóa đơn… không phải làm thủ công, tốn thời gian và dễ sai sót.

Theo chị Trần Hạnh Trang, người sáng lập ra nền tảng tích hợp Smartos, đội ngũ viết, phát triển phần mềm Smartos đa phần là các bạn nữ trẻ tuổi, đến từ nhiều vùng miền khác nhau và có cùng đam mê công nghệ. Tất cả đã rất nỗ lực để thiết kế, sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ phục vụ cho người dùng; trong đó có phụ nữ. Những sản phẩm mới ra đời cũng là sự khẳng định sức sáng tạo của chị em trong quá trình khởi nghiệp, khẳng định khả năng làm chủ công nghệ của chị em trong cuộc sống và kinh doanh thời đại công nghệ số.

Với những ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh, trên nhiều lĩnh vực đã cho thấy sức sáng tạo không giới hạn của phụ nữ. Khi có điều kiện, được hỗ trợ, các ý tưởng hoàn toàn có thể thành công.

Theo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, hiện các cấp Hội tại các địa phương, nhất là cấp tỉnh đã làm tốt vai trò kết nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; thúc đẩy sự ra đời và phát huy vai trò của các câu lạc bộ, hội, hiệp hội nữ doanh nhân, khuyến khích thành lập mới doanh nghiệp nữ, góp phần tăng tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Nhờ đó, trong bối cảnh đa số các doanh nghiệp đều đứng trước những khó khăn chưa từng có do dịch bệnh COVID-19 nhưng chị em phụ nữ vẫn theo đuổi đam mê, mạnh dạn khởi nghiệp. Đơn cử như tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021, số lượng các dự án gửi về dự thi cấp Trung ương thậm chí tăng 1,6 lần so với năm 2020 đã cho thấy sự sẵn sàng và quyết tâm khôi phục và phát triển kinh tế hậu COVID-19 của phụ nữ.

Bệ đỡ vững vàng

Với những thành tựu trong khởi nghiệp của phụ nữ thời gian qua, cho thấy phụ nữ đã ngày càng khẳng định được tinh thần sáng tạo, nỗ lực vươn lên; họ cần những bệ đỡ vững vàng hơn nữa để phong trào khởi nghiệp cho chị em ngày càng nở rộ và “kết trái”.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã luôn đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ vươn lên khởi nghiệp để làm giàu cho mình, làm giàu cho đất nước và tạo việc làm ổn định cho người dân, nhất là các hoạt động thích ứng kịp thời với bối cảnh dịch COVID-19. Những dự án khởi nghiệp được vinh danh thời gian qua chứng tỏ trí tuệ, tiềm năng của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển đất nước là rất to lớn.

Vừa qua, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội trong đề xuất chính quyền phê duyệt đề án, kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp với nguồn lực từ ngân sách nhà nước (174,8 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương) và xã hội hóa (79,3 tỷ đồng).

Đặc biệt, hàng năm, chương trình Ngày Phụ nữ khởi nghiệp được tổ chức định kỳ đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, sự chuyển động của nền kinh tế, bước đầu cung cấp kiến thức và kỹ năng về thương mại điện tử, đáp ứng khát vọng khởi nghiệp của phụ nữ thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi; số lượng đề án khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, hướng đến nền kinh tế xanh và có sự kết nối theo chuỗi giá trị tăng hằng năm; các chỉ tiêu của đề án đều đạt và vượt.

Cũng theo bà Hà Thị Nga, hiện Đề án của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” với nhiều cách làm sáng tạo đã đồng hành, hỗ trợ, động viên, khuyến khích tinh thần vươn lên, tự tin tham gia vào làn sóng Quốc gia khởi nghiệp của đông đảo phụ nữ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi, thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề, đặc biệt là những chị em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, phụ nữ dân tộc thiểu số, người khuyết tật, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi HIV, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng… cũng có cơ hội tham gia, phát triển. Đây là ý tưởng rất táo bạo và quyết tâm rất cao của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tính đến nay, đã có hơn 47.000 phụ nữ đã được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hỗ trợ trong khuôn khổ Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.

Những nỗ lực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thời gian qua đã lan tỏa tinh thần Quốc gia khởi nghiệp của Chính phủ theo hướng thúc đẩy sự sáng tạo để khởi nghiệp, thúc đẩy sự kết nối; thực tế đã khẳng định đây là một hướng đi rất đúng đắn.

TN/Báo Tin tức
Tín dụng chính sách xã hội - Công cụ hỗ trợ trực diện cho phụ nữ làm giàu
Tín dụng chính sách xã hội - Công cụ hỗ trợ trực diện cho phụ nữ làm giàu

Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã chỉ ra bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng đói nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN