Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Châu hiện có hơn 13.300 hội viên. Trước đây, phần lớn chị em tham gia sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ, nhiều người gặp khó khăn, nhất là về nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Vì vậy, hằng năm, Hội đã tổ chức đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên thuộc hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới, tìm các hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế.
Cùng với đó, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nhất là chị em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới nêu cao tinh thần tự lực, từng bước vượt khó, tích cực tham gia phong trào "Phụ nữ làm kinh tế giỏi", "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế", "Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ"... Các cấp Hội luôn duy trì và làm tốt công tác phối hợp ủy thác qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho hơn 2.600 hộ phụ nữ nghèo vay vốn, với tổng dư nợ gần 110 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện thành lập 18 tổ vay vốn cho 707 hộ vay, với tổng dư nợ trên 60 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Châu Mùa Thị Mỷ cho biết: Bên cạnh việc hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, Hội thường xuyên phối hợp mở các lớp tập huấn, dạy nghề; cử cán bộ đến các xã, bản để tuyên truyền, phổ biến cho chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng các kỹ thuật mới trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn tham gia thực hiện các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế.
Hiện nay, địa bàn huyện Yên Châu có 1.561 phụ nữ làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như chị Vì Thị Sáo, hội viên Chi hội Phụ nữ bản Khóng, xã Sặp Vạt với mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi lợn, gà, cá, cho thu nhập từ 400 triệu đến 500 triệu đồng mỗi năm; Câu lạc bộ nữ xoài Yên Châu, do chị Hà Thị Chình, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc thành lập nhóm chị em có sở thích trồng cây ăn quả sạch thu hút 39 người tham gia, mô hình này từ năm 2020 đã cho thu nhập hơn 4 tỷ đồng/năm…
Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chiềng Sàng là một trong những cơ sở hội tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua của huyện Yên Châu. Hội đã tích cực vận động hội viên phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương, giúp hội viên có đời sống ngày càng ổn định.
Hội đã đứng ra nhận ủy thác qua Phòng giao dịch của các Ngân hàng trên địa bàn huyện giúp hội viên vay vốn; vận động chị em tích cực phát triển kinh tế theo mô hình trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia cầm, trâu, bò, dê nhốt chuồng, sinh sản... Nhờ đó, tỷ lệ hội viên phụ nữ nghèo giảm, hộ có thu nhập cao, ổn định ngày một tăng, nhiều hội viên có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm.
Chị Lò Thị Diễn, hội viên Chi hội Phụ nữ bản Búng Mo, xã Chiềng Sàng chia sẻ: Trước đây gia đình chị rất khó khăn, năm 2017, Chi hội đã giúp chị Diễn được vay vốn để đầu tư nuôi 5 con bò sinh sản. Đến nay, đàn bò của gia đình chị đã có tổng số 17 con, bình quân mỗi năm chị xuất bán 5 đến 6 con bò, thu nhập từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn nhiều so với trước. Không chỉ giúp kinh tế gia đình mình ổn định, chị Diễn cũng sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ cho các chị em khác để cùng nhau phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Chị Lò Thị Hoan, hội viên Chi hội Phụ nữ bản Búng Mo, xã Chiềng Sàng cho hay: Thấy mô hình chăn nuôi bò sinh sản của chị Diễn mang lại hiệu quả cao, chị đã thường xuyên đến để học hỏi và đầu tư làm chuồng trại, trồng cỏ, mua bò giống về nuôi. Chị Diễn cũng thường xuyên đến nhà để hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Nhờ đó, đàn bò của chị sinh trưởng phát triển tốt, không bị dịch bệnh, giúp mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục mua thêm bò giống về nuôi để tăng thêm thu nhập.
Phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Yên Châu chỉ đạo các cơ sở hội tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, khai thác, quản lý, giám sát thực hiện các nguồn vốn vay có hiệu quả; phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, học nghề, tạo việc làm. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên phụ nữ ngày càng nâng lên, nhiều hội viên vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.