Trong đó, nhiều ý kiến, đề xuất hiệu quả, thiết thực để kiểm soát, thích ứng dịch bệnh đã được các “chị em” phụ nữ nêu ra và hiện thực hóa thông qua các mô hình xã hội hóa, góp phần chung tay chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội, tạo hiệu ứng tích cực, đề cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Ông Nguyễn Thực Hiện đề nghị Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ thành phố cùng các sở, ban, ngành trên địa bàn tổ chức triển khai hiệu quả nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác cán bộ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới.
Ban tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới và ý thức, trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới; nâng cao năng lực kỹ năng của đội ngũ cán bộ nữ quản lý, lãnh đạo và cán bộ làm công tác bình đẳng giới trên địa bàn thành phố; tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới.
Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội thành phố Cần Thơ Trần Thị Xuân Mai, năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân. Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, tổ chức nhiều hoạt động, lan tỏa nhiều mô hình, cách làm hay với sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, thông qua các hoạt động này nổi bật hình ảnh người phụ nữ Tây Đô anh hùng trong thời bình, quyết liệt chống giặc COVID-19.
Sự tham gia của phụ nữ, trong đó nổi bật là sự tham gia của hội viên Hội phụ nữ các cấp qua các mô hình “Siêu thị 0 đồng - Chia sẻ yêu thương”, “Hỗ trợ lương thực khẩn cấp”, “Đi chợ hộ”, “Bếp ăn 0 đồng”… đã hỗ trợ kịp thời cho người dân Cần Thơ và người dân nhiều địa phương khác (thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Sóc Trăng, Hậu Giang) gặp khó khăn do dịch COVID-19. Các hoạt động nêu trên với kinh phí hơn 15 tỷ đồng đã góp phần không nhỏ cùng thành phố chống dịch.
Bên cạnh đó, phụ nữ ngành y, sinh viên nữ các trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã xông pha trực tiếp tuyến đầu chống dịch, hy sinh hạnh phúc riêng để tham gia chống dịch. Ngoài ra, còn có nhiều cụ bà, nhiều phụ nữ đang mang thai, nuôi con dưới 3 tuổi… đã góp công, góp của, góp sức để đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Phụ nữ đóng góp khá tốt trong thực hiện an sinh, xã hội, nhất là cùng thành phố chi hỗ trợ kịp thời người dân khó khăn, lao động nghèo theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 52/NQ-HĐND của HĐND thành phố Cần Thơ.
Tính đến ngày 1/3/2022, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cho hơn 700.000 lượt người với kinh phí gần 1.330 tỷ đồng. Thành phố hỗ trợ người dân thiếu đói, thiếu lương thực, thực phẩm, gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Quyết định số 2362/QĐ-UBND ngày 28/9/2021 (mức hỗ trợ 500.000 đồng/người). Các quận, huyện đã phê duyệt hỗ trợ 23.460 người với kinh phí 11,73 tỷ đồng.
Nhằm thực hiện công tác bình đẳng giới và phát huy vai trò phụ nữ hiệu quả, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ thành phố Cần Thơ luôn hướng tới phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể các cấp tăng cường công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; tạo điều kiện, cơ hội tham gia đóng góp, thụ hưởng bình đẳng thực chất giữa nam và nữ hướng đến một xã hội bình đẳng, tiến bộ, phát triển bền vững trong tương lai. Trên cơ sở này, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia Bình đẳng giới thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030.