Vì sao cần tiêm vaccine phòng cúm?

Bác sĩ lý giải tác dụng của tiêm vaccine phòng cúm, các đối tượng nên tiêm ngay và lý do nên tiêm nhắc lại hàng năm.

Chú thích ảnh
Trẻ cúm A nhập viện vì có biến chứng. 

Trước tình hình dịch cúm đang gia tăng, nhiều ca diễn biến nặng, theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, tiêm vaccine phòng cúm là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh và tránh các biến chứng nặng.

Cụ thể, hiện nay, Việt Nam có 4 loại vaccine phổ biến phòng cúm là: Vaccine Influvac  (Hà Lan), GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam) và Vaxigrip Tetra (Pháp). Trong đó, có 3 loại vaccine của Hà Lan, Hàn Quốc và Pháp có thể phòng được 4 chủng cúm gồm: 2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B.

Về hiệu lực của vaccine cúm, sau tiêm khoảng 4 tuần, cơ thể có thể hình tháng kháng thể cao nhất bảo vệ người tiêm khỏi các chủng virus cúm có trong vaccine.

Sau khi tiêm, người dân vẫn có thể mắc bệnh do các nguyên nhân như: Thời gian tác động của vaccine chưa đủ; mắc phải chủng cúm không được ngăn ngừa trong vaccine; hệ miễn dịch của cơ thể không thể đáp ứng với vaccine cúm; hoặc do người dân không tiêm nhắc lại hàng năm...

Tuy nhiên, phần lớn những người bị mắc cúm sau khi đã tiêm phòng cúm đủ liều sẽ có triệu chứng nhẹ hơn và giảm tỷ lệ các biến chứng của bệnh so với những người chưa tiêm chủng.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, tất cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn đều nên tiêm phòng cúm. Đặc biệt, nhóm dễ gặp biến chứng được khuyến khích tiêm phòng càng sớm càng tốt, gồm các đối tượng: Người trên 65 tuổi; phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai; trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi; người cso bệnh lý mãn tính như: Hen, tiểu đường, tim mạch, ung thư, suy thận...; người suy giảm miễn dịch; người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm.

Theo đó, việc tiêm vaccine cúm cần được nhắc lại hàng năm. Vì hiện có rất nhiều chủng virus cúm đang lưu hành và các chủng cũng luôn luôn biến đổi. Các kháng thể được cơ thể tạo ra do đáp ứng với vaccine cúm có thể có hiệu quả trong năm nay nhưng khả năng không còn tác dụng đối với virus cúm trong năm sau. Các thành phần của vaccine cúm cũng được nghiên cứu, cập nhập và thay đổi hàng năm để phù hợp với các chủng virus cúm đang lưu hành hiện tại. 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Bệnh nhân cúm mùa tăng, bác sĩ hướng dẫn phòng tránh bằng y học cổ truyền
Bệnh nhân cúm mùa tăng, bác sĩ hướng dẫn phòng tránh bằng y học cổ truyền

Trong thời điểm cúm mùa đang bùng phát mạnh hiện nay, khiến số bệnh nhân mắc và nhập viện tăng cao, cùng với tiêm phòng và sử dụng thuốc điều trị, các bác sĩ hướng dẫn thực hiện các biện pháp y học cổ truyền kết hợp hỗ trợ phòng tránh bệnh cúm hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN