Thưa ông, tình hình nhiều dịch bệnh đang gia tăng cùng lúc, một số dịch đang khá phức tạp như: Sởi, ho gà, sốt xuất huyết… Hiện lại đang là giai đoạn trẻ tựu trường, ông có thể cho biết nguy cơ lây lan dịch bệnh như thế nào?
Nước ta nằm trong vùng khí hậu vùng nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều nên tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh truyền nhiễm lưu hành và phát triển như sốt xuất huyết, sởi, ho gà, tay chân miệng…. Trong những năm qua, với sự triển khai tích cực của Chương trình tiêm chủng mở rộng và chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch tại các địa phương, tình hình bệnh truyền nhiễm đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, nhiều bệnh truyền nhiễm vẫn có xu hướng gia tăng theo mùa, nhất là vào những thời điểm giao mùa, những dịp gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân như đầu năm, mùa lễ hội, mùa tựu trường… hoặc có số mắc cao tại các tỉnh, thành phố lớn có mật độ dân số cao như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong những tháng gần đây, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng như sởi, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng… Dự báo trong thời gian tới là thời điểm giao mùa, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, đồng thời trùng với mùa trẻ tựu trường nên nguy cơ cao tiếp tục gia tăng các bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như sởi, ho hà và bệnh do muỗi truyền như sốt xuất huyết, tập trung nhiều ở nhóm đối tượng trẻ em dưới 15 tuổi và các cháu học sinh, sinh viên.
Ngành y tế đã có những giải pháp nào để ứng phó với các dịch bệnh hiện nay, tránh dịch chồng dịch, thưa ông?
Để chủ động kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, ngay từ đầu năm, Cục Y tế dự phòng đã theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại các địa phương, thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ và kịp thời tham mưu Bộ Y tế có các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả. Trong đó, nhấn mạnh vai trò chỉ đạo của chính quyền các cấp và huy động các ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch; giám sát, phát hiện, xử lý sớm các ổ dịch; thúc đẩy triển khai tiêm chủng mở rộng, vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai. Đồng thời, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh theo mùa và chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng, phun hoá chất diệt muỗi tại những vùng có nguy cơ xảy dịch cao.
Từ tháng 8 vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp giám sát, phòng, chống dịch; truyền thông về phòng, chống dịch, trong các cơ sở giáo dục, trường học, nhà trẻ, mẫu giáo để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm đảm bảo sức khoẻ cho trẻ em, học sinh, sinh viên khi bước vào năm học mới.
Đến nay, việc cung ứng vaccine đã được giải quyết như thế nào để đáp ứng nhu cầu phòng dịch, nhất là vaccine sởi, vaccine có thành phần ho gà, bạch hầu, thưa ông?
Đến nay, Bộ Y tế cơ bản cung cấp đủ vaccine tới các tỉnh, thành phố trên cả nước trong tổ chức tiêm chủng thường xuyên, cũng như tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho đối tượng thuộc độ tuổi tiêm chủng. Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với Bộ ban ngành liên quan tổ chức thực hiện các thủ tục mua sắm các loại vaccine nhằm cung ứng các vaccine còn lại theo Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024 và gối đầu 6 tháng năm 2025.
Trrước tình hình dịch bệnh sởi đang có xu hướng gia tăng và UBND TP. Hồ Chí Minh mới đây đã công bố dịch sởi, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2495/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024, giai đoạn 1 tại 18 tỉnh, thành phố, 135 quận, huyện. Đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, thống kê đối tượng, cũng như căn cứ vào tình hình dịch sởi, đánh giá nguy cơ để chủ động bổ sung các địa phương vào kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi ở giai đoạn 2. Vaccine được cung cấp miễn phí cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi; nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vaccine chứa thành phần sởi theo quy định.
Để triển khai thành công chiến dịch này, Bộ Y tế đã đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo Sở, ban ngành xây dựng, ban hành Kế hoạch tại địa phương, bố trí đầy đủ kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng bao gồm cả các đội cấp cứu lưu động, tổ chức buổi tiêm chủng và theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Đồng thời, tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chiến dịch vắc xin Sởi-Rubela cho đội ngũ cán bộ, giáo viên các khối tiểu học, mầm non, mẫu giáo vận động phụ huynh đồng ý cho con em tham gia tiêm vaccine.
Xin ông cho biết ngành y tế có khuyến cáo thế nào để người dân hiểu biết và chủ động phòng các dịch bệnh trong điều kiện hiện nay?
Để phòng, chống các bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau: Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi ở, trường học, lớp học, vệ sinh cá nhân, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; Tham gia và đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Xin cảm ơn ông!