'Trí nhớ' miễn dịch với COVID-19 không bền vững như nhiều bệnh truyền nhiễm khác

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại để củng cố miễn dịch phòng bệnh. Ảnh: Tạ Nguyên

Miễn dịch với COVID-19 giảm rất nhanh

Đánh giá về thời gian bảo vệ sau tiêm vaccine phòng COVID-19 và sau mắc COVID-19, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định: “Vừa qua, nhiều người đã mắc COVID-19, kể cả những người đã mắc biến chủng Omicron, một lần nữa được tăng thêm miễn dịch. Tuy nhiên, với COVID-19, việc tiêm các mũi cơ bản cũng như việc mắc bệnh, miễn dịch tạo ra không được bền vững như các bệnh truyền nhiễm khác như: Sởi, Rubella, thủy đậu… hay các bệnh đã biết với các vaccine truyền thống. Vì vậy, việc tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo “trí nhớ” miễn dịch, tăng cường kháng thể để bảo vệ chống lại các biến thể COVID-19 là vô cùng quan trọng”.

Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Nhất là đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

Đặc biệt, với người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã đưa ra khuyến cáo, những người đã mắc COVID-19 sau thời gian từ 3- 4 tháng cần tiêm các mũi nhắc lại để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh.

Kết quả của một số nghiên cứu gần đây cho thấy, những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2.

Theo đó, tiêm mũi nhắc vaccine COVID-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do COVID-19.

Vaccine giúp củng cố lá chắn phòng dịch

Theo Bộ Y tế , việc tiêm các mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 (mũi 3, mũi 4) là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh; đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Vì vậy, người dân cần thiết phải tiêm nhắc lại để đảm bảo hiệu quả của vaccine phòng COVID-19.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng phân tích, bản thân virus SARS-CoV-2 liên tục biến hóa, biến hóa khôn lường không như các dịch bệnh khác. Từ chủng gốc, bình thường một đại dịch sẽ đi theo xu hướng là tăng dần miễn dịch nếu có của vaccine hoặc miễn dịch mắc phải và lúc đó tăng dần số liệu lên thì sẽ giảm dần xu thế của dịch; cuối cùng hoặc là dịch sẽ biến mất hoặc là trở thành một bệnh dịch lưu hành. Tuy nhiên, đối với SARS-CoV-2 sự tiến hóa là khôn lường.

Cụ thể, với SARS-CoV-2, từ biến chủng gốc, khi số người mắc tăng dần, sau đó xuất hiện các biến chủng: Alpha, Delta, sau đó là Omicron; trong Omicron lại xuất hiện 5 biến chủng phụ.

Đặc biệt, hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 với tốc độ lây nhiễm nhanh đã xâm nhập vào Việt Nam, những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 lại có xu hướng tăng lên, có ngày lên tới gần 10.000 ca mắc mới; số ca nặng cũng có dấu hiệu tăng lên. Trong khi đó, hiện nhiều người dân có biểu hiện lơ là đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, trong khi khẩu trang vẫn là biện pháp phòng chống dịch được khuyến cáo hiện nay.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới đã khẳng định: Nơi nào tiêm thấp, vùng kháng thể chưa đảm bảo thì nơi đó chưa an toàn, vẫn có nguy cơ bùng dịch.

Đánh giá về hiệu quả của vaccine trên thực tế thời gian qua, TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Vaccine là vũ khí chiến lược trong phòng chống COVID-19. Con số thực tế cho thấy, từ 27/4/2021 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận khoảng 32.000 ca tử vong do COVID-19. Qua phân tích, trong số này chỉ có 7,3% số người được tiêm 2 mũi vaccine; số chưa được tiêm chiếm tới 52,8% trong số tử vong. Qua đây có thể thấy hiệu quả vaccine đã rõ ràng. Khi có vaccine, người dân nên đi tiêm và tiêm đầy đủ các mũi phòng bệnh. Thời điểm này, rất cần ưu tiên việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; nhất là với những người có suy giảm miễn dịch thể vừa và nặng; người có nguy cơ phơi nhiễm cao…”.

"Các nghiên cứu so sánh giữa người mắc tiêm thêm vaccine và người mắc không tiêm, thì nhóm người mắc tiêm mũi nhắc lại có kháng thể tăng rất cao, thời gian bảo vệ lâu hơn. Do đó, tiêm vaccine vẫn là lá chắn bảo vệ cộng đồng thời gian tới", GS.TS Phan Trọng Lân khẳng định.

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Hơn 234,85 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam
Hơn 234,85 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm tại Việt Nam

Trong ngày 7/7/2022 có 293.936 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 234.856.999 liều trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 207.255.571 liều, tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 18.683.258 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 8.918.170 liều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN