Cùng với lên phương án ứng phó, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân nên tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID-19.
Người cao tuổi, người có bệnh nền mắc COVID-19 tăng
Một cụ bà hơn 80 tuổi có bệnh nền là tiểu đường, tăng huyết áp nhập viện tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Thành phố Hồ Chí Minh với chẩn đoán viêm phổi. Tuy nhiên, do có thêm sốt và ho, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc COVID-19. Kết quả kiểm tra, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Sau khi cách ly điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, phải thở qua ống thông mũi. Hiện các bác sĩ vẫn đang tiếp tục theo dõi, điều trị tích cực cho người bệnh.
Bác sĩ Trần Văn Quang, Phó Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, hai tuần qua, Khoa bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, mỗi ngày 3-4 ca nhưng mấy ngày gần đây, số ca mới nhập viện liên tục tăng cao, có khi lên đến 15-18 ca/ngày. Đây chỉ là các ca có triệu chứng, có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, còn các ca dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng và đã được tiêm chủng đầy đủ thì được các bác sĩ hướng dẫn cách ly tại nhà. Hiện Khoa đang điều trị cho 8 ca bệnh COVID-19.
Tương tự, tại Bệnh viện Thống Nhất, từ đầu năm đến giữa tháng 4/2023 không có bệnh nhân COVID-19 nhập viện nhưng từ giữa tháng 4 đến nay liên tục tiếp nhận các ca mắc COVID-19. Bác sĩ Nguyễn Duy Cường, Phó Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, đơn vị đang điều trị cho 20 bệnh nhân, chủ yếu là người trên 65 tuổi; đặc biệt, người trên 80 tuổi chiếm 30%. Tất cả bệnh nhân COVID-19 nhập viện đều có bệnh nền là các bệnh lý tim mạch hoặc bệnh lý hô hấp.
Là đơn vị tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng bắt đầu tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19; trung bình 1-2 trường hợp/ngày và được cách ly, điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới. Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thủy Ngân, Phó Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết, các ca bệnh đa số có bệnh lý nền như tiểu đường, suy tim, van tim, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch… Đây là những yếu tố nguy cơ khiến những bệnh nhân này khi chuyển đến Khoa Bệnh Nhiệt đới đa số phải tiến hành hỗ trợ thở máy hoặc lọc máu; đã có một trường hợp tử vong do có quá nhiều bệnh lý nền kèm theo mắc COVID-19.
Theo các bác sĩ, mặc dù tỷ lệ bệnh nặng của giai đoạn này không nhiều như thời điểm dịch bệnh căng thẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021, tuy nhiên người dân không được chủ quan bởi nhóm người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch cũng có nguy cơ trở nặng khi mắc COVID-19. Bác sĩ Nguyễn Duy Cường, Bệnh viện Thống Nhất phân tích: Những bệnh nhân cao tuổi đa bệnh lý mà mắc COVID-19 sẽ làm thay đổi hệ thống miễn dịch của cơ thể, từ đó làm bùng lên các đợt cấp của các bệnh lý mạn tính như bệnh hen phế quản, tim mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… Những trường hợp này nếu không được hỗ trợ kịp thời bằng hệ thống máy móc hiện đại thì có thể dẫn đến tử vong.
Sẵn sàng các phương án ứng phó với dịch bệnh
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn đang có diễn biến phức tạp với sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron như XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1. Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cần chuẩn bị sẵn sàng để công tác thu dung, chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 diễn ra nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm nguy cơ diễn tiến nặng. Các bệnh viện kích hoạt trở lại các khoa/đơn vị điều trị COVID-19, sẵn sàng tiếp nhận điều trị cho người bệnh. Để phân luồng điều trị hiệu quả cho người bệnh, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện theo mô hình “tháp 3 tầng” gồm: Tầng 1 là cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không triệu chứng và nhẹ; tầng 2 là cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 mức độ vừa và nặng; và tầng 3 là cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, khu vực cách ly đều trị COVID-19 của Khoa Bệnh Nhiệt đới luôn có 80 giường bệnh, sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh từ trung bình đến nặng. Về nhân lực cũng có thể huy động từ các khoa khác bất cứ lúc nào. Không tập trung vào một khoa như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất lại linh động bố trí khu điều trị COVID-19 tại các khoa. Hầu hết các khoa đều dành 1-2 phòng bệnh để điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, vẫn có 3 đơn vị chủ lực chịu trách nhiệm chính là Khoa Nhiễm với 20 giường bệnh, Khoa Hô hấp 8 giường bệnh và Khoa Hồi sức tích cực để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 kèm các bệnh nền từ trung bình đến nặng. “Nếu bệnh nhân đông hơn thì chúng tôi sẽ mở lại khu cách ly của bệnh viện để thu dung, điều trị kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Duy Cường, Bệnh viện Thống Nhất cho hay.
Cùng với chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị người bệnh, ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng phát động chiến dịch “bảo vệ người nguy cơ”, kêu gọi người dân tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng COVID-19. Theo phân tích của Sở Y tế, có khoảng 30% người bệnh nhập viện trong thời gian gần đây chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong bối cảnh miễn dịch cộng đồng ở Thành phố bắt đầu có xu hướng giảm dần (từ 98,7% vào tháng 9/2022 nay còn 94,17%), cùng với sự xuất hiện nhiều biến thể phụ của chủng Omicron thì việc tiêm vaccine đầy đủ là một trong những biện pháp phòng bệnh hữu hiệu hiện nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, những người cao tuổi, người thuộc nhóm nguy cơ cao nên tiêm mũi 4 và có thể tính đến mũi 5 vaccine phòng COVID-19. Ở nhóm người nguy cơ cao, khi miễn dịch giảm dần thì kháng thể chống lại virus SAR-CoV-2 cũng giảm đi. Do đó, nếu người nào đã qua 6 tháng kể từ thời điểm tiêm vaccine mũi 3 thì nên tiêm lại.