Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi. Ảnh minh họa: Thu Hương/TTXVN
Từ trung tuần tháng 4/2025 đến nay, Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh ghi nhận 40 ca COVID-19 điều trị tại các bệnh viện ở Thành phố. Riêng tuần 19 (từ 5-11/5), toàn Thành phố có 16 ca được báo cáo, tăng 10 ca so với trung bình 4 tuần trước đó (6 ca/tuần). Tích lũy từ đầu năm 2025 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã có 51 ca bệnh COVID-19, trong đó có 29 ca điều trị nội trú và 22 ca điều trị ngoại trú.
So sánh với cùng kỳ năm 2024, tổng số ca mắc năm 2025 giảm đến 83% và không có ca bệnh cần phải hỗ trợ hô hấp. Mặc dù vậy, Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Thành phố ghi nhận trong 14 tuần đầu năm, mỗi tuần chỉ có 1 - 2 ca COVID-19 được báo cáo; tuy nhiên từ tuần 15 (giữa tháng 4) đến nay số ca COVID-19 hằng tuần có dấu hiệu tăng khá rõ rệt. TP Hồ Chí Minh vẫn không ghi nhận các ổ dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay, trên toàn cầu, số trường hợp mắc, tử vong do COVID-19 đang có xu hướng giảm, Tổ chức Y tế thế giới chưa ghi nhận biến thể SARS-CoV2 mới. Tại Việt Nam, COVID-19 đã trở thành một bệnh truyền nhiễm lưu hành gây bệnh cảnh viêm đường hô hấp cấp tương tự như các loại virus hô hấp khác. Sự gia tăng đi lại, tụ tập giao lưu của người dân tại các sự kiện, lễ hội vừa qua là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng số ca COVID-19 trong những tuần gần đây và có thể trong những tuần tiếp theo.
Mặc dù không ghi nhận ca nặng và chưa phát hiện biến thể mới nguy hiểm, nhưng sự gia tăng số ca bệnh cũng có ảnh hưởng phần nào đến đời sống sinh hoạt của người dân. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục theo dõi tình hình bệnh COVID-19, viêm hô hấp cấp trên thế giới, trong nước và ở Thành phố, giám sát diễn tiến xuất hiện các biến thể virus, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp và hiệu quả.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khuyến nghị người dân đeo khẩu trang khi đến khám, điều trị tại cơ sở y tế, nơi tập trung đông người, trên phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Khi có triệu chứng ho, sốt, khó thở, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Người dân trở về từ các nước đang có tình trạng gia tăng COVID-19 cần chủ động theo dõi sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm để bảo vệ bản thân, gia đình hoặc người tiếp xúc gần.