TP Hồ Chí Minh: Quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh

Ngày 6/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã đưa ra dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới cả về số ca mắc mới và số ca nặng. Theo đó, ngành y tế Thành phố đang quyết liệt triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống các dịch bệnh này.

Gia tăng ổ dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng

Thông tin về diễn biến bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn, ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố ghi nhận 8.519 ca sốt xuất huyết, riêng tháng 6 là 758 ca (tăng 10% mỗi tuần).

Chú thích ảnh
Trẻ bị tay chân miệng điều trị tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Về bệnh tay chân miệng, tổng số ca mắc tính từ đầu năm đến nay là 4.500 ca, thấp hơn các năm gần đây và chưa có ca tử vong. Tuy nhiên, đáng lo ngại là sự xuất hiện của chủng EV71 đã từng gây dịch bệnh chết người tại TP Hồ Chí Minh.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, dù số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng đang thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 nhưng số ca mắc nặng lại đang cao hơn. Theo đó, hiện tại các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh đang điều trị cho 111 trường hợp, trong đó có 10 ca sốt xuất huyết nặng, có 4 ca đang thở máy. Còn đối với dịch tay chân miệng, số ca mắc bắt đầu tăng liên tục từ tuần 19 đến nay, số ca bệnh nặng cũng gia tăng theo. Cụ thể, trong số 569 ca nhập viện điều trị trong tháng 6 có 118 ca nặng và tất cả đều là trẻ em dưới 6 tuổi.

Chú thích ảnh
Theo giám sát của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố, các điểm có lăng quăng trên địa bàn chiếm gần 50%.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, theo quy luật diễn tiến dịch bệnh hàng năm tại Thành phố, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng vào tuần thứ 24, tăng cao trong tháng 7 và dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 10 hàng năm.

“Trong khi đó, qua giám sát điểm nguy cơ, tỷ lệ phát hiện có lăng quăng tại các điểm nguy cơ được giám sát là gần 48%. Đây là con số đáng báo động, tỷ lệ này sẽ cao hơn nữa khi Thành phố mưa nhiều hơn và không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát các điểm nguy cơ”, lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định.

Cùng với số ca mắc tăng thì số ổ dịch tay chân miệng cũng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 với 125 ổ dịch, trong đó 70 ổ dịch trong trường học và 55 ổ dịch tại cộng đồng.

Triển khai hàng loạt các biện pháp phòng dịch

Trước dự báo tình hình dịch bệnh sẽ gia tăng, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai hàng loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ tháng 5 và tập trung nhiều hoạt động trong tháng 6.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế đến từng hộ dân phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, để kéo giảm số ca mắc sốt xuất huyết thì một trong các giải pháp quan trọng là phân loại đúng, xử lý dứt điểm các điểm nguy cơ gây dịch tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Ngành y tế cũng tiếp tục vận dụng mô hình phân tầng vào công tác thu dung điều trị sốt xuất huyết, tăng cường duy trì hoạt động Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết Dengue của Sở Y tế để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời cho công tác điều trị sốt xuất huyết; đồng thời tiếp tục triển khai quy trình báo động đỏ đối với người bệnh sốt xuất huyết.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cũng đã tăng cường hoạt động giám sát các điểm nguy cơ sốt xuất huyết. Với những điểm nguy cơ không tuân thủ hướng dẫn xử lý sẽ bị xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Về công tác phòng bệnh tay chân miệng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các Trạm y tế đã triển khai đầy đủ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn sai sót trong việc xác minh ca bệnh, một số trường học báo cáo không kịp thời ổ dịch tại trường.

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện xây dựng các kịch bản ứng phó và phân tầng điều trị, lập các tổ chuyên gia điều trị bệnh. Sở Y tế phân công các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành Phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện thuộc tỉnh, thành phố phía Nam về công tác điều trị bệnh tay chân miệng để điều trị kịp thời và hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong.

Trước đó, tại buổi làm việc với đoàn giám sát Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, hoạt động phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm luôn được lãnh đạo Thành phố quan tâm. Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh, từ đầu năm 2023 đến nay, Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế số ca mắc, số ca mắc nặng và tử vong.

Trong thời gian tới, bên cạnh các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai, TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân để hạn chế số ca mắc cũng như tiêu tốn nguồn lực.

Ngành y tế khuyến cáo, để phòng bệnh sốt xuất huyết, mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Người dân khi phát hiện các điểm nguy cơ, có thể phản ánh lên ứng dụng Y tế trực tuyến.

Để phòng bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà... Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Đồng Nai: Phân tuyến điều trị bệnh tay chân miệng trước nguy cơ dịch bùng phát
Đồng Nai: Phân tuyến điều trị bệnh tay chân miệng trước nguy cơ dịch bùng phát

Ngày 3/7, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện nay số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tỉnh đang tăng cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN